Ảnh minh họa (AI)
Trời sớm mơi nắng phớt nhẹ tênh.
Thằng cháu đích tôn dắt bạn gái về ra mắt gia đình, rõ ràng là mới gặp lần đầu, mà… ông Ba Bánh lại thấy quen tới ngộ. Hỏi ra mới biết, con bé Thảo này là cháu của bà Hai Muối, một cố nhân đã lâu năm không gặp. Nghe tên người cũ, ông có chút vui trong bụng nhưng thoáng nghĩ tới điều gì đó, ông căng thẳng cả người, cố tỏ ra điềm nhiên hỏi mà giọng nghe rung hơn dây đờn:
- Ông bà nội con dạo này khỏe không?
Thảo hơi khựng lại nhưng vẫn lễ phép trả lời: Bà vẫn khỏe, còn ông mất đã lâu. Rõ ràng, khi nó vừa nói xong, ông đã thở hắt một hơi nhẹ nhõm. Ông Ba Bánh biết mình già rồi, Hai Muối cũng già rồi, người già, sinh ly tử biệt là điều không thể nào tránh khỏi nhưng đâu đó, tận sâu trong tâm can, ông vẫn mong bà còn mạnh giỏi.
Nhớ tới Hai Muối, nhớ tới mối duyên đứt đoạn thuở thiếu thời, ông nghe hồn mình mênh mang, mắt ông trở nên lòe nhòe, ánh nhìn mông lung đuổi theo những đám lục bình trôi lãng đãng, dường như đang chậm rãi bước đi trên con đường hồi ức thênh thang. Ông kể, bà Hai Muối và ông quen nhau từ thuở nhỏ, nhà cả hai ở bên dòng sông Vàm Cỏ quanh năm sóng nước dập dìu. Hồi đó, dân còn khổ nhiều, nhà nào đủ ăn không đói đã coi như khá giả…
Trời vừa tờ mờ sáng, sương còn đậm giữa trời, những tia ánh cam phía đằng Đông mảnh như chỉ thêu trên tấm vải đêm sâu thẫm thứ màu xám đen hun hút. Là một đứa con nít sinh ra trong ngôi nhà làm nghề bánh tráng, bắt đầu từ bữa nay, Ba Bánh phải dậy sớm để phụ ba má đem bánh ra phơi.
Công đoạn này không phải nặng nề, cực nhọc gì nhưng với một đứa nhỏ đang tuổi ăn ngủ, quả thực không dễ chịu lắm. Ba Bánh vừa trải bánh lên giàn, vừa ngái ngủ, ngáp dài, mắt mũi lèm nhèm như rèm cửa bị ai kéo sụp, phải ráng lắm mới xong. Khi cái bánh tráng cuối cùng rời khỏi tay thằng nhỏ là lúc nó chạy tọt vô hiên nhà, leo lên võng nằm ngáy khò khò.
Phải tới khi nắng lên, những tia sáng gai góc rọi vào mặt, Ba Bánh mới tỉnh. Nó dụi mắt, vươn vai ngáp một cái thiệt đã thèm, rồi mắt mở ra, rồi mặt nó tái xanh khi nhìn mấy chục cái bánh tráng bị gió thổi bay đầy sân, cái nằm vắt vẻo trên ngọn cỏ nhành cây, cái chênh vênh đậu trên đọt lục bình hay lập lờ trôi mỗi lúc một xa trên sóng nước, mớ còn nằm ngoan trên giàn thì cũng bị nắng hong tới khô cong.
Khi má đi chợ về cũng là lúc Bánh no đòn. Bị đánh đau, nó thấy như đất trời đổ sụp, nhưng còn chưa kịp gào lên đã nghe bên rào có tiếng cười sằng sặc vọng qua. Qua màn nước mắt, Bánh thấy rõ, là một đứa con gái tóc úp gáo dừa, da đen, lùn tịt đang đứng trên cây ổi cặp rào nhìn qua bên này, nhe hàm răng sún mà cười như con khỉ. Nó biết, đó là con Muối, con nhỏ hàng xóm khó ưa vừa mới chuyển tới cách đó ít lâu. Bánh ghim “hận” con Muối luôn từ đó.
Từ đó, Bánh kiếm chuyện “báo thù” con Muối suốt cả chục năm, nhưng không được mấy lần thành công. Qua từng năm, từng năm, “oán hận” nối đuôi nhau chồng lên càng lúc càng nhiều. Bao nhiêu năm bám riết như hình với bóng, tình cảm hai đứa tựa như con nước sông Vàm, nhìn hờ hững mà cuộn trào, êm đềm mà sôi sục, tưởng hạn hẹp mà không phân nổi bến bờ, lơ đễnh bao lâu, nhìn lại đã tràn lên hồi nào chẳng biết.
Vậy mà, tới năm mười tám tuổi, vừa mới học xong, Muối đã vội nói với Bánh là mình phải đi lấy chồng. Bánh ừ, Muối lấy chồng thì cứ lấy chồng đi. Bánh cũng chuẩn bị đi hỏi vợ. Hai đứa nói xong im lặng nhìn nhau, lại cùng nhìn ra mặt sông loang loáng nắng, lời chúc mừng thốt ra ngượng ngập nghe khó nuốt như nhai trúng khoai sùng, rồi… cúi đầu quay lưng, mỗi người một hướng.
Một cái quay lưng, hơn nửa thế kỷ qua chưa từng gặp lại bao giờ.
Trước ngày nhà chồng Muối lại rước dâu, Bánh đã đi mất biệt, đi trong một đêm tối mịt mù, đi theo giải phóng quân, chỉ để lại cho Muối một lá thư chúc mừng kèm một cây bút máy mà gã tự tay khắc chữ.
Nhiều năm sau, đất nước thanh bình, Bánh cũng về, tóc chớm điểm sương, tay chân cơ bản là đủ, chỉ thiếu hai ngón. Nhìn cha mẹ, anh em, nhà cửa vẫn còn, gã biết mình đã hạnh phúc hơn rất nhiều người. Điều duy nhất làm gã tiếc nuối là bên kia rào chỉ còn cỏ hoang, cây dại mọc xanh um. Cả nhà Muối đã dọn đi đâu mất biệt. Ba má nói là nhà nhỏ dọn đi khi Bánh lên đường không lâu. Bánh muốn hỏi về đám cưới của Muối nhưng lời đến miệng lại nuốt ngược vào trong. Cũng gần chục năm rồi, có luyến có lưu thì người ta cũng đã yên bề gia thất,
quá khứ chỉ đành thả theo nước trôi thôi, còn gì nữa mà nhắc lại.
Sau đó ít năm, Bánh lấy vợ, khi thằng con của gã được tám tuổi thì ba má cũng lần lượt theo nhau về với ông bà. Gã vẫn cùng gia đình sống bên sông, làm nghề cũ, rồi con gã lớn lên, lấy vợ, lại có con. Giờ Ba Bánh đã qua tuổi “cổ lai hy”, trở thành “ông Ba” chờ ẵm cháu cố, bà thì đã mất từ mấy năm nay, tưởng như ký ức xưa cũ đã ngủ yên. Nhưng rồi “đứa cháu dâu tương lai” xuất hiện, ký ức một thời sống lại, cuồn cuộn như sóng ở trong lòng.
Không biết bây giờ gặp lại, bà ấy có còn nhận ra ông?
Hơn nửa năm sau, thằng Minh với con Thảo cưới nhau, ngày rước dâu, ông mới có dịp bước chân tới nhà bà Hai Muối. Ngay từ tinh mơ, ông đã thức dậy, vận lên mình bộ đồ Tây lịch lãm, tóc vuốt láng o, ngực còn cài một cái bông hồng, ra dáng quý ông lắm. Con dâu nhìn ông, che miệng cười khẽ, còn con trai thì bĩu môi chọc ghẹo:
- Bộ ba tính cưới bà Hai hay sao vậy hen?
Ba Bánh hừ mũi, thay cho câu trả lời.
Đoàn xe rước dâu lăn bánh, đường không dài nhưng dằng dặc nỗi trông mong.
Khi đã ngồi yên vị ở chủ vị, ông vẫn không thấy bà. Lễ đã xong, ông vẫn không thấy bà. Chắc bà bận nên không tới dự đám cưới cháu mình. Ông hơi giận. Nhưng là ngày vui, ông không tiện nói nhiều. Trong lúc thất thần, ông nhìn thoáng qua vợ chồng thằng Minh đang kính cẩn dâng hương lên bàn thờ gia tiên.
Ấy vậy mà… lại bắt gặp nụ cười quen ơi là quen trong ký ức. Nụ cười trong bức tranh chân dung chính tay ông đã vẽ tặng bà. Bức tranh đã hơi ố màu, nằm lặng thinh sau tấm kính.
Bà… còn trẻ quá!
Hóa ra, Thảo là cháu nội của em trai bà. Còn bà, không chồng, không con. Năm đó, sau khi lấy cớ chia tay ông, bà lẳng lặng cùng với em trai đi theo Giải phóng. Bà nội của Thảo kể bằng một giọng rất đỗi tự hào rằng, chị chồng bà, tức bà Hai Muối, từ ngày vào quân cho đến khi trải qua những đợt càn quét ác liệt vẫn cùng đồng đội thực hiện đúng lời thề son sắt “Quyết tử giữ Gò Dầu”, giữ đất, giữ dân, giữ đồng bào, giữ quê hương.
Sau thất bại năm Mậu Thân, kẻ thù đẩy chiến tranh lên cao trào với hàng loạt vũ khí hạng nặng đưa vào chiến trường, đánh phá ác liệt khiến đồng bào và chiến sĩ ta gặp nhiều khó khăn. Bà đã hy sinh trong một trận đánh "cầm chân" để đại bộ phận quân ta rút về căn cứ Thạnh Đức. Di vật chỉ còn bức tranh chân dung gửi lại nhà và cây bút máy khắc tên vẫn luôn giữ nguyên trong ngực áo.
Ông và bà, không ai nói với ai, cùng lựa chọn lên đường theo tiếng gọi non sông. Ngần đó năm, ông mới tỏ lòng bà. Ngày bà ngã xuống, chiến tranh vẫn còn ác liệt, điều bà mong mỏi vẫn chưa thấy được. Nhưng ông đã thay bà nhìn kỹ rồi, một lần nhìn là suốt mấy mươi năm.
Lễ xong, ông với tay thắp một nén nhang lên bàn thờ, lần nữa quay lưng, hẳn sẽ có ngày gặp lại.
Bên ngoài, nắng đã vàng ươm màu mật, rưới lên những tàu lá dừa xanh mướt một lớp áo dịu dàng, nhìn đôi tân giai nhân tay trong tay đi ngược nắng, ông như thấy chính mình, cùng bà, ở một hình bóng khác.
Sông Vàm, sóng vẫn vỗ mơn man…/.
Đặng Phúc Nhất
Nguồn: https://baolongan.vn/ben-dong-vam-co-a198977.html
Bình luận (0)