Chọn đúng ngành, dẫn lối tương lai
Sáng 15/7, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Học công nghệ - Làm chủ cuộc chơi”.
Chương trình cung cấp thông tin mới nhất về tuyển sinh các ngành công nghệ, mô hình đào tạo thực hành - liên thông và kỹ năng người học cần chuẩn bị để không bị “bỏ lại phía sau” trong thời đại AI, dữ liệu lớn và đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi mọi lĩnh vực, từ giáo dục đến tài chính, sản xuất đến truyền thông, lựa chọn ngành học không còn dừng lại ở sở thích nhất thời, mà đòi hỏi sự thấu hiểu bản thân, định hướng dài hạn và tư duy tích hợp liên ngành.
Hiện nay, các chuyên ngành kết hợp giữa công nghệ và kinh tế ngày càng trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều bạn trẻ.

Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, định hướng đào tạo được tích hợp cả hai năng lực tư duy công nghệ và hiểu biết Tài chính - Marketing, nhằm giúp sinh viên có thể thích ứng nhanh với thị trường lao động hiện đại.
Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing, người trẻ nếu sở hữu đồng thời hai nhóm năng lực này sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội trong hành trình phát triển sự nghiệp.
"Thứ nhất, am hiểu công nghệ giúp người học thích ứng nhanh với các nền tảng số, khai thác hiệu quả dữ liệu, tự động hóa quy trình làm việc và ứng dụng các công cụ mới như AI, blockchain, Big Data trong hoạt động kinh doanh. Đây là năng lực thiết yếu trong mọi ngành nghề hiện đại.
Thứ hai, tư duy về tài chính, marketing mang lại khả năng nhìn nhận thị trường, phân tích hành vi tiêu dùng, hoạch định chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực. Khi kết hợp với nền tảng công nghệ, người trẻ có thể đưa ra quyết định nhanh, chính xác và mang tính đột phá...", ThS Phụng cho hay.
Không chỉ giúp sinh viên trở thành những ứng viên sáng giá trong mắt doanh nghiệp, sự kết hợp giữa công nghệ và kinh tế còn mở ra cánh cửa cho những ai muốn khởi nghiệp, phát triển mô hình kinh doanh mới trong kỷ nguyên số.
Theo ThS Phụng, Trường Đại học Tài chính - Marketing tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo, cập nhật xu hướng thị trường và phản hồi từ doanh nghiệp, nhằm bảo đảm sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số toàn diện.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số không chỉ tạo ra công cụ mới, mà còn đòi hỏi người học phải thay đổi cách tiếp cận tri thức, từ thụ động sang chủ động, từ học để biết sang học để làm chủ.
Với định hướng đó, Trường Đại học Mở TPHCM đã xây dựng triết lý giáo dục “Mở” - không chỉ về hình thức học mà còn về tư duy đào tạo.

ThS Dương Nhật Linh - Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở TPHCM cho biết, sinh viên có thể chủ động chọn môn học, điều chỉnh tiến độ, lựa chọn phương thức học phù hợp với năng lực và hoàn cảnh. Giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đồng hành, hỗ trợ cá nhân hóa hành trình học của từng người.
Để làm được điều đó, Trường Đại học Mở TPHCM đã đầu tư mạnh vào hệ thống học liệu số, nền tảng E-learning, thư viện mở, các phòng lab, studio và xưởng công nghệ liên ngành, tạo ra không gian học tập linh hoạt và sáng tạo.
"Hiện nay, Khoa Công nghệ Thông tin có tổng cộng 9 phòng thực hành, đảm bảo phục vụ hiệu quả cho các học phần kỹ thuật, thực hành và đồ án. Bên cạnh đó, khoa còn sở hữu phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo với cấu hình máy tính mạnh, chuyên phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo, học máy và xử lý dữ liệu lớn...", ThS Linh nói.
Nữ giảng viên chia sẻ thêm, với ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, sinh viên được thực hành trong phòng thí nghiệm kết cấu, trắc địa, địa kỹ thuật, vật liệu xây dựng, cơ chất lỏng có đầy đủ thiết bị đo đạc và mô phỏng công trình.
Còn ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm hiện có hệ thống 10 phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại, đồng bộ và một nhà lưới phục vụ nghiên cứu, thực nghiệm.

"Tận dụng nguồn lực là các phòng Lab hiện đại, khoa Công nghệ Sinh học nỗ lực và tiếp tục phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, các phòng thực hành đều được sắp xếp theo hướng ứng dụng, tích hợp liên ngành, giúp sinh viên vừa học lý thuyết, vừa triển khai dự án và làm quen với môi trường làm việc thực tế ngay từ trên ghế nhà trường", ThS Linh nói.
Trải nghiệm thực tế, làm chủ nghề nghiệp
Một trong những yếu tố then chốt để sinh viên làm chủ nghề nghiệp là việc học gắn với thực hành, nơi kiến thức được chuyển hóa thành kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tế.
Theo ThS Lê Thị Bích Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, tại trường, thời lượng thực hành chiếm hơn 70% chương trình, việc học nghề không dừng ở lý thuyết, mà cả một quá trình rèn luyện thực thụ, nơi sinh viên được "thao tác thật, sai thật, sửa thật".
"Mỗi môn thực hành đều có chuẩn đầu ra cụ thể, có kế hoạch kỹ năng rõ ràng và được giảng viên hướng dẫn tận nơi. Khi đi thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên tiếp tục được góp ý, hỗ trợ bổ sung kỹ năng chuyên môn đúng với yêu cầu thực tế", ThS Lê Thị Bích Thảo chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, đơn vị là trường đầu tiên ký cam kết 100% việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Hiện trường đã xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược với hơn 100 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
"Doanh nghiệp cam kết tiếp nhận sinh viên thực tập, tạo điều kiện học tập nghề nghiệp trong môi trường làm việc thật và ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đáp ứng chuẩn năng lực.
Tấm bằng của trường là một sự cam kết, một lời hứa về chất lượng đào tạo thực tiễn vượt trội. Trường tự hào rằng mỗi sinh viên khi cầm trên tay tấm bằng của trường đều có thể tự tin: “Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên, để tôi bắt đầu làm chủ cuộc chơi của chính mình”, cô nói.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Việt Đức, sinh viên được học tập trong môi trường chuẩn Đức với toàn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, nội dung chuyển giao từ các trường đối tác tại Đức và châu Âu.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức cho biết, sinh viên tại đây không chỉ được tiếp cận với tư duy kỹ thuật hiện đại mà còn rèn luyện được phong cách làm việc kỷ luật, thực tế và đổi mới sáng tạo, đặc trưng của nền công nghiệp Đức.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, năm 2025, Trường Đại Việt Đức mở chương trình cử nhân mới - Kỹ thuật Cơ Điện tử.
Ngành học này hợp tác với Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (CHLB Đức), mang đến cho sinh viên cơ hội nghề nghiệp rộng mở, được cấp bằng của Việt Nam và CHLB Đức, cùng ưu đãi học bổng 100% học phí trong năm đầu tuyển sinh 2025.
Chương trình cử nhân Kỹ thuật Cơ Điện tử (MEC) có thời gian học 4 năm, gồm 1 năm đại cương và 3 năm chuyên ngành.
Mục tiêu của chương trình cung cấp các kiến thức mới nhất và hiện đại, mang đẳng cấp thế giới từ Đức, mang tính sáng tạo và cân bằng giữa các nội dung kỹ thuật Cơ khí – Điện – Điện tử - Công nghệ thông tin.
Chương trình có ba chuyên ngành chính: kỹ thuật cơ điện tử cho động học hệ dẫn động chính xác (drive dynamics), kỹ thuật cơ điện tử cho ô tô và hàng không (automobile and aeronautical engineering) và kỹ thuật cơ điện tử cho robot (robotics).

Trong năm thứ 4, sinh viên sẽ có cơ hội học tập trao đổi và hoàn thành luận văn tốt nghiệp tại trường đối tác, với các học bổng tài trợ từ Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) hoặc dạng tự túc chi phí.
"Các sinh viên có thể tham gia và làm chủ các dự án công nghệ quy mô quốc tế để làm việc trong các nhóm dự án xuyên quốc gia và tự tin ứng tuyển vị trí R&D, kỹ sư thiết kế, data engineer… tại các công ty công nghệ toàn cầu như Bosch, Siemens, Intel, BMW, SAP… Với phương châm đào tạo "kỹ sư toàn cầu – chuyên gia thực hành", Trường Đại học Việt Đức từng bước giúp người học không chỉ làm chủ công nghệ mà còn tự tin bước vào nền kinh tế tri thức", ông Tuấn cho biết.

Diễn giả tham dự phiên tư vấn tuyển sinh 2025 số thứ hai: “Học công nghệ - Làm chủ cuộc chơi”.
"Cuộc chơi công nghệ" đang định hình lại mọi thứ, từ kinh tế, xã hội đến cuộc sống. Làm sao để người học không chỉ tham gia, mà còn "làm chủ" được cuộc chơi này?
Thấu hiểu được điều đó, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng các cơ sở giáo dục tại TPHCM tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến số thứ 2 "Học công nghệ - Làm chủ cuộc chơi", nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành học công nghệ, xu hướng nghề nghiệp mới và hành trang cần thiết để dẫn đầu trong thời đại chuyển đổi số.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bi-quyet-chon-nganh-hoc-de-but-pha-trong-ky-nguyen-so-post739909.html
Bình luận (0)