Đặc trưng của bộ não tuổi teen
Các nghiên cứu mới nhất về não bộ con người cho thấy từ 11 đến 20 tuổi, bộ não của thiếu niên vẫn tiếp tục trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ.
Ở các nam thiếu niên, sự phát triển của vùng kiểm soát lý trí và kiềm chế hành vi thường phát triển chậm hơn khoảng hai năm so với bé gái. Điều này giải thích vì sao nam thiếu niên dễ đưa ra quyết định bốc đồng.
Thấu hiểu cho bộ não vẫn đang tiếp tục phát triển của con, phụ huynh nên giảm bớt sự trách mắng, tập trung tạo ra môi trường tốt nhất để não bộ của con có thể tiếp tục phát triển tốt.
Ngủ nướng không xấu

Nếu con khó ngủ, ngủ muộn, sáng hôm sau vẫn thèm ngủ, cha mẹ không nên cố ép con dậy sớm (Ảnh minh họa: DM).
Thời điểm quan trọng hàng đầu cho sự phát triển và phục hồi của não bộ đối với thiếu niên chính là giấc ngủ dài về đêm. Thiếu niên thiếu ngủ thường có sức khỏe tinh thần kém, dễ đưa ra quyết định sai lầm.
Dù vậy, ở lứa tuổi teen, hormone melatonin giúp đưa cơ thể vào giấc ngủ tiết ra muộn hơn, điều này dễ khiến các em có xu hướng ngủ muộn, dậy muộn.
Dù khuyến khích con ngủ sớm, nhưng nếu con khó ngủ, ngủ muộn, sáng hôm sau vẫn thèm ngủ, cha mẹ không nên cố ép con dậy sớm, nếu không có lý do thực sự cần thiết. Hãy tôn trọng nhịp sinh học tự nhiên của con và tạo điều kiện cho con ngủ đủ giấc.
Sau một ngày học tập, khoảng 9h tối là khoảng thời gian não trẻ vị thành niên ở trạng thái tỉnh táo nhất vào lúc cuối ngày. Đây chính là thời điểm lý tưởng để phụ huynh trò chuyện nghiêm túc với con.
Khuynh hướng thích mạo hiểm
Ngày nay, thiếu niên thường “liều” trong thế giới ảo. Chức năng “kiểm soát độ liều” trong não lúc này vẫn chưa hoàn thiện, nhưng “máu liều” lại khá mạnh. Điều này khiến không ít thiếu niên dễ rơi vào tình huống nguy hiểm, nhiều khi không phải vì dại khờ, mà vì muốn thể hiện với bạn bè.
Phụ huynh hãy hướng con đến những thử thách tích cực như chơi thể thao hay theo đuổi các bộ môn nghệ thuật. Phụ huynh cũng nên cùng con “tập dượt” các kịch bản, để giúp con thoát khỏi tình huống khó xử, tránh đua liều theo chúng bạn.
Cha mẹ phải học cách tiến thoái phù hợp
Tuổi teen là giai đoạn đầy mâu thuẫn, vừa muốn đẩy cha mẹ ra xa để thể hiện con đã lớn khôn, nhưng cũng có những lúc mong muốn được cha mẹ nâng niu, vỗ về.
Từ khoảng 12 tuổi, con bắt đầu độc lập hơn, có thể bắt đầu tranh cãi với cha mẹ, thậm chí cho rằng cha mẹ... lỗi thời. Đó là quá trình tất yếu để dần hình thành một bản ngã độc lập.
Lúc này, cha mẹ không nên xem sự chống đối của con là sự xúc phạm. Những hành động thường nhật như chở con đi học, rủ con cùng đi siêu thị có thể mở ra các cơ hội để gia tăng kết nối với con.
Cha mẹ hãy tạo thói quen chia sẻ ngắn gọn với con, bất ngờ rủ con cùng ra ngoài cùng làm việc gì đó, và quan trọng nhất là: hãy bỏ điện thoại xuống khi con muốn nói chuyện.
Con “trái tính”, nhưng vẫn muốn được quan tâm

Hãy thực hành các cuộc trò chuyện 5 phút ngắn gọn, đúng thời điểm, có sức gợi mở để con muốn chia sẻ nhiều hơn (Ảnh minh họa: DM).
Không ít cha mẹ cảm thấy bị con ngó lơ khi con bước vào tuổi vị thành niên, mọi lời nói đều như “nước đổ lá khoai”, trôi tuột đi và không tạo được tác động như mong muốn đối với con
Theo một nghiên cứu, từ tuổi dậy thì, não bộ trẻ bắt đầu giảm phản ứng với giọng nói của cha mẹ và ưu tiên chú tâm khi nghe giọng người lạ, vì vậy, cha mẹ hãy cảm thông phần nào cho con.
Thay vì ép con lắng nghe và chia sẻ với mình, cha mẹ hãy thể hiện sự tò mò tích cực dành cho con. Hãy thử hỏi con về game con đang chơi, về những nội dung trên mạng xã hội khiến con thấy thích thú.
Hãy thực hành các cuộc trò chuyện 5 phút ngắn gọn, đúng thời điểm, có sức gợi mở để con muốn chia sẻ nhiều hơn.
Ngoài ra, hãy thử nói chuyện khi đi bên cạnh con, như khi cùng con đạp xe, đi bộ, thay vì nhìn thẳng vào mắt con trong lúc nói chuyện. Tư thế trò chuyện này đặc biệt phát huy hiệu quả với các nam thiếu niên.
Khi tranh cãi nổ ra, hãy hít thở sâu và chú ý cách giao tiếp với con

Nếu cảm thấy cơn giận đang lên, phụ huynh hãy tạm rời đi một lúc (Ảnh minh họa: DM).
Xung đột giữa cha mẹ và con là điều không tránh khỏi. Nhưng cách cha mẹ phản ứng trong khi xung đột nổ ra sẽ định hình mối quan hệ.
Nếu cảm thấy cơn giận đang lên, phụ huynh hãy tạm rời đi một lúc, có thể là đi về phòng, hít thở sâu, tìm cách lấy lại bình tĩnh. Nếu không tránh được một cuộc tranh luận, hãy tập trung vào một vấn đề cụ thể đang cần đối thoại với con, chẳng hạn việc con dạo này hay về nhà muộn. Phụ huynh không nên mở rộng câu chuyện, lôi đủ thứ vấn đề ra nói cùng một lúc.
Khi trò chuyện với con đang ở lứa tuổi teen, cha mẹ nên giữ giọng nói nhẹ nhàng, thái độ chân thành. Chính cách tiếp cận này sẽ làm dịu cuộc đối thoại căng thẳng và giúp phụ huynh dễ uốn chỉnh con hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-quyet-nuoi-day-con-tuoi-teen-dung-noi-chuyen-nghiem-tuc-truoc-9h-toi-20250714202028502.htm
Bình luận (0)