
Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban, trong đó đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; các đồng chí: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực giao thông làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Ngoài ra thành viên Ban Chỉ đạo có đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ và Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành: Xây dựng (thành viên thường trực); Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An; bí thư cấp ủy các xã, phường nơi có Dự án đi qua: Thành viên; Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) phụ trách Dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Xây dựng, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) để triển khai kịp thời công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng và các nội dung công việc có liên quan của Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức họp giao ban, kiểm tra để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến trách nhiệm của tỉnh (về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu,...), xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác để chủ động thực hiện các nhiệm vụ, nội dung liên quan và theo chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo.
Trưởng ban Chỉ đạo có trách nhiệm điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong các hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo, ủy quyền cho Phó Trưởng ban Chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên do Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh làm Tổ Trưởng.
Tổ giúp việc có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ; giúp Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chương trình công tác và các nội dung công việc liên quan của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các kỳ họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo; đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban Chỉ đạo giao.

Tháng 11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Tuyến có chiều dài khoảng 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành phố (trước sáp nhập tỉnh).
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, có khả năng chuyển đổi vận tải hàng hóa khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha, trong đó có 3.655 ha đất trồng lúa, 2.567 ha đất lâm nghiệp và khoảng 4.605 ha đất khác. Số dân dự kiến phải tái định cư khoảng 120.836 người.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1,71 triệu tỷ đồng (67,3 tỷ USD), từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, hoàn thành cơ bản vào năm 2035.
Theo phương án trình Quốc hội, đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao đoạn qua Nghệ An có chiều dài 85,5 km với điểm đón trả khách là Ga Vinh.
Ga Vinh được tư vấn đề xuất đặt tại xã Hưng Nguyên (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cũ), giữa trục đường rộng 72m của Khu công nghiệp VSIP và trục Quốc lộ 46 mới kết nối phía Tây với trung tâm thành phố. Đây là ga 4 đường, tất cả các tàu đều dừng.
Depot Vinh bố trí tại xã Lam Thành (Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên cũ) phục vụ cho khai thác khu đoạn Ngọc Hồi - Vinh.
Depot đường sắt tốc độ cao được sử dụng để chứa và dồn dịch các đoàn tàu; đồng thời là nơi thực hiện các tác nghiệp bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đầu máy toa xe, kiểm tra các phương tiện thi công đường…
Trên tổng chiều dài 85,5 km qua địa bàn Nghệ An, dự kiến đặt 2 trạm để dồn dịch các phương tiện bảo trì (máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát…) và chứa vật tư, vật liệu.
Trạm 1 đặt ta xã Đức Châu (xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu cũ), phục vụ duy tu, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía trước Ga Vinh thuộc khu gian Thanh Hóa - Vinh.
Trạm 2 đặt kết hợp trong depot Vinh đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất và thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Phục vụ duy tu, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía sau Ga Vinh thuộc khu gian Vinh - Hà Tĩnh.
Nguồn: https://baonghean.vn/bi-thu-tinh-uy-nghe-an-lam-truong-ban-chi-dao-giai-phong-mat-bang-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-doan-qua-tinh-10301387.html
Bình luận (0)