• Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách bảo hiểm
  • Hướng đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân
  • Sổ bảo hiểm xã hội điện tử được cấp chậm nhất là ngày 1/1/2026

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau.

Giảm gánh nặng, bảo vệ quyền lợi

Tại khu vực XXXII, theo ông Lê Hùng Cường, Phó Giám đốc BHXH khu vực, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 90,96%. Chính sách này đang ngày càng lan tỏa, cho thấy người dân đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Cùng với sự gia tăng độ bao phủ, chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng tăng nhanh. Tính đến ngày 31/5, tổng chi phí khám chữa bệnh đã vượt 1.129 tỷ đồng, bao gồm phần tạm ứng và số liệu thống kê tại các cơ sở y tế.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1/7/2024 khiến mức thanh toán cho dịch vụ y tế tăng lên; bên cạnh đó, việc mở rộng kỹ thuật cao, xét nghiệm tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ngoài công lập, cũng góp phần làm chi phí tăng.

Tuy nhiên, chính sách BHYT vẫn giữ vững vai trò nhân đạo, hỗ trợ người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.

Không có BHYT, nếu không may điều trị bệnh chi phí cao sẽ là gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Anh Lượng Hồng Em, ngụ ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, chia sẻ: “Con tôi bị viêm màng não, phải điều trị lâu dài. Nếu không có BHYT thì không biết xoay xở ra sao. Dù có thẻ BHYT, mỗi tháng vẫn tốn khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc ngoài danh mục, tã, sữa... May mắn hơn là còn có sự hỗ trợ của các bác sĩ và mạnh thường quân.”

Theo bác sĩ CKI Trương Thị Cẩm Tú, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, với những ca bệnh nặng, điều trị kéo dài, nếu không có BHYT thì rất khó khăn. Có ca phải nằm viện đến 3 tháng, tiền giường mỗi ngày hơn 600.000 đồng, tổng chi phí điều trị có thể vượt 700 triệu đồng, khi đó, thẻ BHYT chính là cứu cánh thật sự cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo.

Luật mới mở rộng tiếp cận y tế

Từ ngày 1/7, Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới quan trọng như: mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; điều chỉnh mức đóng linh hoạt theo thu nhập; tăng thêm quyền lợi khám chữa bệnh; áp dụng thẻ BHYT điện tử qua căn cước công dân gắn chip, VssID hoặc VNeID… Đây là những thay đổi tích cực giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm khi đi khám chữa bệnh.

Bệnh nhân điều trị lâu dài tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau.

Để triển khai hiệu quả, BHXH khu vực XXXII đang chủ động tuyên truyền chính sách mới đến từng người dân; đồng thời mở các lớp tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ và nhân viên thu để đảm bảo thực hiện đúng quy định, đồng bộ.

Ông Lê Hùng Cường nhấn mạnh: “Tuyên truyền BHYT là nhiệm vụ trọng tâm. Phải nói để dân hiểu, hiểu để dân tin và tự nguyện tham gia. Có thẻ BHYT trong tay, người dân yên tâm hơn nếu chẳng may gặp vấn đề về sức khỏe”.

Song song đó, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh chia sẻ các câu chuyện thật, người thật việc thật nhằm lan tỏa giá trị nhân văn của BHYT, đồng thời cảnh báo người dân về hành vi trục lợi để bảo vệ Quỹ BHYT một cách công bằng, bền vững.

Ngày BHYT Việt Nam là dịp để mỗi người dân thêm trân trọng và tin tưởng vào chính sách này, bởi không ai mong đau ốm, nhưng nếu điều đó xảy ra, tấm thẻ BHYT chính là lá chắn vững vàng giúp người bệnh vượt qua khó khăn, cũng là nền tảng cho một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững.

Hồng Phượng

 

Nguồn: https://baocamau.vn/la-chan-an-sinh-cho-moi-nguoi-dan-a39984.html