"Chỉ cần đường đạn lệch vài milimet, bệnh nhân có thể không còn sống"
Ngay sau khi gặp tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại một bệnh viện địa phương ở Campuchia, truyền một lít máu và dẫn lưu màng phổi. Tuy nhiên, máu vẫn rỉ đều 300ml mỗi ngày, suốt hai ngày liên tiếp. Trước nguy cơ mất máu kéo dài và nhiễm trùng, ông được gia đình chuyển đến Bệnh viện FV.
Sau khi chụp CT ngực, ê-kíp bất ngờ phát hiện đầu đạn vẫn còn trong cơ thể sau khi đã xuyên qua lồng ngực. "Chỉ cần đường đạn lệch vài milimet, bệnh nhân có thể không còn sống" - ThS-BSCK2 Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Mạch máu và Can thiệp nội mạch, Bệnh viện FV nhận định về tình trạng bệnh nhân.
Đầu đạn xuyên qua phá hủy thùy phổi phải và nằm trong cơ thể bệnh nhân
ẢNH: BSCC
"Đây là một đầu đạn nguyên khối, không vỡ như mảnh bom mìn. Khi bay, nó xoáy tạo vết thương, đường vào nhỏ nhưng đường ra rất rộng và phá hủy nhiều cấu trúc trên đường đi . Đó cũng là lý do khiến máu vẫn rỉ ra không ngừng. Đạn đi xuyên từ ngực trước, qua lồng ngực, qua hai thùy phổi, rồi mắc lại gần xương bả vai. Nó gây rách màng tim nhưng rất may là không trúng tim hoặc mạch máu lớn", bác sĩ Trung giải thích.
Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện thủ thuật tại phòng cấp cứu lấy đầu đạn ra để tránh nhiễm trùng và nhiễm độc. Sau khi đầu đạn được lấy ra, huyết động bệnh nhân ổn nhưng máu vẫn rỉ khoảng 100-300ml mỗi ngày.
Cắt 2/3 phổi bên phải để cầm máu
Theo bác sĩ Trung, đầu đạn là dị vật mang nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc rất cao. Dù đã lấy ra, nhưng đường đạn đi qua phổi vẫn tiếp tục rỉ máu. Ê-kíp buộc phải đưa ra quyết định phẫu thuật phổi.
"Nếu không mổ, máu tiếp tục rỉ, có thể gây nhiễm trùng, áp xe. Chúng tôi cũng không chắc đường đạn có làm tổn thương các mạch máu trong phổi không. Về lâu dài, có thể tạo rò tĩnh mạch. Vì vậy, vết thương này không thể bảo tồn, mà phải cắt".
Trước phẫu thuật, ê-kíp chuẩn bị kỹ phương tiện, nội soi phế quản, đánh giá tổn thương. Kết quả nội soi phế quản cho thấy không có tổn thương nghiêm trọng ở đường khí quản lớn. Thám sát không có tổn thương mạch máu lớn. Tổn thương chủ yếu là viên đạn xuyên qua thùy phổi.
Bác sĩ Lương Ngọc Trung và ê-kíp mổ nội soi cắt thùy phổi cho bệnh nhân
ẢNH: FV
Ca mổ kéo dài khoảng ba tiếng. Ê-kíp dùng kỹ thuật nội soi một lỗ nhỏ khoảng 3cm (Uniport VATS) để giảm xâm lấn. Bác sĩ xác định tổn thương, rồi cắt bỏ hai thùy phổi, tương đương 2/3 phổi phải.
May mắn, bệnh nhân không mất nhiều máu khi mổ và không cần truyền thêm máu, được xuất viện chỉ một tuần sau mổ. Dù đã mất phần lớn phổi bên phải, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt và hô hấp bình thường sau thời gian hậu phẫu.

Bệnh nhân tái khám trong tình trạng khỏe mạnh
ẢNH: FV
"Người bệnh còn trẻ, thể trạng tốt. Phổi bên trái đủ bù trừ chức năng. Sau mổ, bệnh nhân cần điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu thường qui, không có biến chứng lớn nào xảy ra", bác sĩ Trung chia sẻ.
Ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị đạn bắn xuyên ngực là một trong nhiều ca mổ đặc biệt được thực hiện tại Khoa Phẫu thuật Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện FV - nơi hội tụ những bàn tay vàng trong ngành phẫu thuật lồng ngực tại Việt Nam.
Khoa hiện đang hợp tác với O2 Healthcare Group (Singapore) triển khai điều trị tại Trung tâm Phẫu thuật Lồng ngực tầm cỡ khu vực ngay tại Bệnh viện FV. Đây là bước tiến quan trọng giúp cập nhật các kỹ thuật tiên tiến nhất từ Singapore trong điều trị các bệnh lý lồng ngực phức tạp như chấn thương, ung thư phổi, tràn khí màng phổi…
ThS-BSCK2 Lương Ngọc Trung là chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý lồng ngực, từ chấn thương, tràn khí, ung thư phổi đến các ca cấp cứu nguy kịch. Với triết lý "mỗi ca mổ là một cơ hội sống mới", bác sĩ Trung không chỉ phẫu thuật bằng tài năng mà còn bằng sự tận tâm với người bệnh.
Với đội ngũ bác sĩ giỏi, sự phối hợp liên chuyên khoa và công nghệ y học hiện đại, FV đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm điều trị lồng ngực chuyên sâu ngang tầm các bệnh viện lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Để biết thêm thông tin về điều trị các bệnh lý liên quan tới lồng ngực và mạch máu, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Mạch máu và Can thiệp nội mạch, Bệnh viện FV hoặc qua số điện thoại (028)35113333.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bi-trung-dan-xuyen-nguc-nguoi-dan-ong-may-man-duoc-cuu-chua-kip-thoi-185250528170628314.htm
Bình luận (0)