Xác định “nội lực là nhân tố quyết định nhưng ngoại lực là nhân tố quan trọng không thể thiếu” để đạt mục tiêu phát triển, tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa... nhằm đưa chính sách mở cửa “đến tận bàn làm việc” của các nhà đầu tư.

Anh 1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn tiếp và làm việc với Tập đoàn Nexif Ratch Energy (Singapore). Ảnh: B.Đ

Dấu ấn với nhà đầu tư quốc tế

Với chiến lược mở cửa chủ động, linh hoạt, tỉnh không chỉ tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, mà còn khẳng định vị thế là đối tác tin cậy trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Nhờ vậy, những năm gần đây, Bình Định đang nổi lên như một điểm sáng về đối ngoại và thu hút đầu tư quốc tế tại miền Trung.

Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Amazing Binh Dinh Fest 2024” đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, thu hút đông đảo chuyên gia, nhà đầu tư và du khách quốc tế. Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế với hơn 1.000 đại biểu tham dự cũng trở thành điểm nhấn chiến lược trong nỗ lực thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Để triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại kinh tế, Bình Định mở rộng quan hệ song phương và đa phương. Tỉnh đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác quốc tế như Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan, thành phố Izumisano (Nhật Bản), tỉnh Champasak (Lào), quận Yongsan (Hàn Quốc)… trên khắp các lĩnh vực đào tạo, giáo dục, khoa học - công nghệ, thương mại, du lịch và đầu tư công nghệ cao.

Anh 2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn tặng quà lưu niệm cho đại diện Tập đoàn Hero Future Energies ASIA (Ấn Độ). Ảnh: B.Đ

Không theo đuổi chính sách “trải thảm đỏ bằng mọi giá”, Bình Định tập trung hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và đào tạo nguồn nhân lực để “giữ chân nhà đầu tư bằng thực lực”.

Với mục tiêu trở thành “điểm đến lý tưởng”, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài không gặp bất cứ rào cản nào, tỉnh duy trì “5 sẵn sàng” gồm: quy hoạch, hạ tầng thiết yếu, mặt bằng đầu tư, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Các chính sách ưu đãi như thuê đất, đào tạo lao động, cải tiến thủ tục được triển khai đồng bộ, kết hợp quảng bá đầu tư - đặc biệt tại các khu công nghiệp trọng điểm như Becamex VSIP Bình Định. Nơi đây được đánh giá cao nhờ hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện, quỹ đất sạch và dịch vụ hỗ trợ tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ASEAN và châu Âu.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin đối ngoại qua các hội nghị quốc tế, hội thảo khoa học, kênh truyền thông chính thống và mạng lưới Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều đoàn đại biểu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia đã đến làm việc, mở rộng hợp tác phát triển kinh tế địa phương.

Chuyển mình mạnh mẽ

Nhờ chính sách ngoại giao kinh tế tích cực, năm 2024 Bình Định thu hút được 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2.813 tỷ đồng (113,17 triệu USD). Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác thương mại - du lịch, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,71 tỷ USD (tăng 7,8%) và sản phẩm chủ lực như đồ gỗ, may mặc, thủy sản được tiêu thụ tại hơn 80 quốc gia.

Anh 3 (1).jpg
Lãnh đạo tỉnh tặng quà lưu niệm cho ông Heiko Wuttke, Chủ tịch của Tập đoàn PNE (Đức). Ảnh: B.Đ

GRDP ước đạt 5,3 tỷ USD, xếp thứ 25/63 cả nước và thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung. Du lịch đạt trên 9,2 triệu lượt khách, vượt 67% kế hoạch năm.

Tỉnh vận động thành công 14 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài với tổng tài trợ hơn 1,6 triệu USD, trải rộng các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và phát triển nông thôn.

Từ một tỉnh ven biển với xuất phát điểm hạn chế, Bình Định đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến chiến lược của dòng vốn quốc tế có trách nhiệm. Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện về hạ tầng hay chính sách, mà còn là minh chứng cho một tư duy phát triển chủ động và khát vọng vươn lên rõ rệt của địa phương. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10 - 11%/năm, xuất khẩu vượt 10 tỷ USD, đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Bình Định ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi thu hút 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.940 tỷ đồng (tương đương 77,49 triệu USD).

Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy Gia công may mặc chất lượng cao của Công ty Mascot International A/S (Đan Mạch) tại KCN Becamex VSIP - diện tích 9,8 ha, vốn hơn 1.290 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 9/2026.

Nhiều tập đoàn quốc tế cũng đang xúc tiến đầu tư tại Bình Định. Tính đến nay, Bình Định có 100 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD - cho thấy niềm tin vững chắc từ các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn, FDI là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tăng xuất khẩu, tạo việc làm, đóng góp ngân sách và xây dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp, hội nhập sâu rộng. Năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh sẽ linh hoạt mời gọi nhà đầu tư tiềm lực trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và đô thị thông minh.

Anh 6.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn và ông Dennis Nobelius, Tổng Giám đốc Tập đoàn Syre (Thụy Điển) ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: B.Đ

Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo, cuối tháng 3/2025, Bình Định đã tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia lần thứ 6 - mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. Tại đây, Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn kêu gọi các đối tác quốc tế sớm bắt tay hợp tác, khi tỉnh đang tích cực triển khai các dự án và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà đầu tư toàn cầu.

Ông cũng cho biết Bình Định đang tập trung hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Dự án nâng cấp sân bay Phù Cát sẽ được triển khai, kỳ vọng có đường bay quốc tế đến Bình Định vào đầu năm 2026.

“Tỉnh cam kết cung cấp đầy đủ thông tin và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác nghiên cứu và triển khai dự án tại Bình Định” - Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Nam Hà - An Nhiên

Nguồn: https://vietnamnet.vn/binh-dinh-diem-sang-hut-nha-dau-tu-quoc-te-2404064.html