Chiều ngày 21/7/2025, tại tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Bộ KH&CN, Trưởng đoàn Công tác Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 năm 2025 nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng của địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, thông tin thông suốt và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã kết nối trực tuyến với đoàn công tác của đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang trực tiếp chỉ đạo ứng phó với bão tại xã Mường Lát để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với bão, các phương án phòng chống xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tại các xã miền núi cao tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Thanh Hóa đã chủ động ban hành 5 công điện khẩn chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất. Toàn tỉnh đã bố trí 186.000 người sẵn sàng ứng phó với thiên tai; 6.546/6.555 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn. Các lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để kịp thời kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão.
Đặc biệt, công tác bảo đảm thông tin liên lạc được chú trọng chuẩn bị kỹ lưỡng, dự phòng toàn diện. Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1890/SKHCN-BCVT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông kích hoạt thiết bị vệ tinh VinaphoneS, triển khai các phương án thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Các đoàn công tác đã được thành lập để kiểm tra, hướng dẫn tại các địa bàn trọng điểm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao bị chia cắt, mất kết nối do hoàn lưu bão.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã chủ động kiểm tra, gia cố hạ tầng cột ăng-ten, trạm BTS chịu gió bão cấp 10-12; chuyển đổi tuyến truyền dẫn sang cáp chôn ngầm hoặc OPGW; tổ chức mạng ring dự phòng cho các trạm trọng điểm. Hàng nghìn máy phát điện, accu dự phòng, nhiên liệu, thiết bị hàn đo… đã được chuẩn bị. Các đội cơ động BTS, xe phát sóng lưu động ém quân tại những điểm xung yếu. Thiết bị vệ tinh (VSAT-IP, Inmarsat) được triển khai tại các vùng nguy cơ cao. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng chế độ roaming giữa các mạng để duy trì liên lạc nếu một nhà mạng gặp sự cố.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, bài bản, đồng bộ và quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị trong ứng phó với bão số 3.
Nhấn mạnh vai trò then chốt của thông tin liên lạc trong điều hành, chỉ đạo phòng chống thiên tai, Thứ trưởng đề nghị, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó bão, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để rà soát, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, kể cả của các địa phương khác đang hoạt động trên địa bàn, nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà mạng cung cấp sim điện thoại cho lãnh đạo tất cả các xã để duy trì kết nối ổn định trong mọi tình huống; bố trí lực lượng ứng trực 24/7, triển khai xe phát sóng lưu động tại các điểm xung yếu, đảm bảo duy trì kết nối liên lạc xuyên suốt.
Thứ trưởng giao Sở KH&CN làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão, đảm bảo thông tin liên lạc cho lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh và chính quyền cơ sở. Theo đó, Sở cần chủ động xác định các khu vực có nguy cơ hoặc đang mất liên lạc để kích hoạt chế độ roaming liên mạng; phối hợp với Sở Công thương ưu tiên cấp điện cho các trạm BTS trọng yếu, điều phối các trạm phát sóng lưu động, đồng thời tham mưu thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ người dân...
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu kết luận buổi làm việc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu triển khai khẩn cấp các biện pháp kỹ thuật như gia cố nhà trạm, cột ăng-ten, bổ sung máy phát điện, ắc quy dự phòng; triển khai roaming giữa các mạng khi có yêu cầu, hướng dẫn người dân cài đặt chế độ chuyển vùng dịch vụ để duy trì liên lạc. Trong trường hợp một khu vực bị cô lập dài ngày do lũ hoặc ngập sâu, các nhà mạng sẽ phát sóng luân phiên, sử dụng roaming để tiết kiệm nhiên liệu và kéo dài thời gian hoạt động của hệ thống.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động rà soát, phát triển thêm trạm BTS kiên cố tại các vùng trọng điểm về thiên tai, công bố danh sách trạm BTS cấp 4 cho Sở KH&CN để thông báo đến người dân biết, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như sạc điện thoại. Kế hoạch điều động nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng để khôi phục nhanh mạng lưới sau bão cũng phải được hoàn thiện; bố trí cán bộ đầu mối trực 24/7, cung cấp danh sách cho Sở KH&CN để phối hợp điều hành. Đồng thời, tăng cường dự phòng tuyến truyền dẫn Viba, rà soát hệ thống thông tin vệ tinh (VSAT-IP, Inmarsat), sẵn sàng cung cấp dịch vụ khi cần thiết.
Ngay sau buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã trực tiếp kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu trú bão Lạch Hới phường Sầm Sơn.
Thứ trưởng Phạm Đức Long dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu trú bão Lạch Hới phường Sầm Sơn.
Nguồn: https://mst.gov.vn/bo-khcn-chi-dao-ung-pho-bao-so-3-bao-dam-an-toan-va-thong-tin-lien-lac-thong-suot-tai-thanh-hoa-1972507230806003.htm
Bình luận (0)