Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh tại cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn - Ảnh: VGP/NB
Chiều 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 km, hiện nay, Bộ Xây dựng, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 28 Dự án/Dự án thành phần có kế hoạch hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài khoảng 1.188 km, trong đó Bộ Xây dựng và VEC 17 dự án/889 km, các địa phương 11 dự án/299 km. Ngoài ra, 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng, dài 93 km) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn, dài 43 km) có kế hoạch hoàn thành năm 2026 nhưng đã được 2 tỉnh đăng ký phấn đấu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.
"Đến nay, tiến độ đa số các dự án bám sát kế hoạch, nhiều dự án vượt tiến độ so với kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án còn chậm tiến độ, một số vướng mắc, tồn tại vẫn chưa được giải quyết triệt để", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhận định.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, do các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương làm thành viên để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo điều hành, tháo gỡ các khó khăn. Trong thời gian từ ngày 6/3 đến ngày 14/3/2025, các đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, tổ chức làm việc với các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu.
Trên cơ sở tình hình thực tế, các đoàn kiểm tra đánh giá khả năng hoàn thành, 28 dự án với tổng chiều dài 1.188km được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1 các dự án bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025: gồm 18 dự án/897km (Bộ Xây dựng và VEC 16 dự án/871km; các địa phương 2 dự án/26km) cơ bản không còn những khó khăn, vướng mắc lớn, tiến độ triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
10 dự án gặp khó, tiến độ chưa đáp ứng
Nhóm 2 các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra gồm 10 dự án/291km có kế hoạch hoàn thành năm 2025 và 2 dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh có kế hoạch thông tuyến năm 2025.
Cụ thể, về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đã cam kết và nỗ lực triển khai để hoàn thành trong tháng 3/2025. Tuy phần diện tích còn lại không nhiều, nhưng chủ yếu là đất ở nên công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, thường xảy ra các khiếu nại, tranh chấp làm kéo dài thời gian triển khai.
Bộ Xây dựng đánh giá: Thực tế công tác giải phóng mặt bằng tại các tỉnh Đồng Nai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bình Dương và di dời hạ tầng kỹ thuật tại tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng khó có thể hoàn thành trong tháng 3/2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của đoàn kiểm tra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Về vật liệu xây dựng, thủ tục chấp thuận cho thuê đất mỏ Ea Kênh cho dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nâng công suất mỏ đá phục vụ thi công dự án Tuyên Quang - Hà Giang (Hà Giang20) còn chậm. Đoàn công tác đã yêu cầu hoàn thành trong tháng 3/2025, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành giải quyết.
Về tổ chức thi công, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cập nhật lại tiến độ thi công, xác định rõ đường "găng", có giải pháp để bù lại khối lượng đã chậm, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi (nhất là với các dự án khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cần hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa); tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công 3 ca 4 kíp đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, do một số khó khăn vướng mắc liên quan đến mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là thiếu nguồn vật liệu đắp trong một thời gian dài trước đây (đến nay đã được giải quyết) trong khi phải xử lý nền đất yếu với thời gian gia tải chờ lún lớn, cùng với thời tiết thời gian qua bất lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ chung, nên một số dự án có nguy cơ không hoàn thành như kế hoạch đề ra.
Tăng tốc thi công bù tiến độ
Báo cáo với Thủ tướng, đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, tại dự án thành phần 1 của cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (16km) do địa phương làm cơ quan chủ quản, hiện tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công và nỗ lực thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô, thi công cuốn chiếu bù tiến độ đã chậm.
Với dự án Vành đai 3 TPHCM tỉnh Đồng Nai phụ trách 11km, đại diện tỉnh Đồng Nai khẳng định đã bàn giao xong mặt bằng cho đơn vị thi công và cấp đủ giấy phép các mỏ vật liệu xây dựng, tỉnh cam kết sẽ nỗ lực triển khai để đáp ứng tiến độ đồng bộ vào cuối năm 2025.
Phó Chủ tịch TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM làm chủ đầu tư của 2 dự án thành phần. Trong đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua TPHCM dài khoảng 25km dự kiến vào dịp 30/4 tới, thêm 18,8km cao tốc từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TPHCM) sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.Toàn tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành và thông xe vào ngày 30/9/2026.
Dự án vành đai 3 TPHCM đoạn qua TPHCM dự kiến hoàn thành vào 30/6/2026, TPHCM cam kết sẽ hoàn thành đoạn này vào 30/12/2025 sớm hơn 6 tháng so với tiến độ yêu cầu.
"Sau chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Chính phủ, hiện nay dự án vành đai 3 TPHCM đã đủ mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công, tiến độ thực hiện tăng 5%. Nguồn vật liệu từ 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang của 12 mỏ cát đều đã được cấp phép và chủ mỏ đã cam kết vận chuyển cát về ngay trong tháng 3. Nhà thầu thi công cũng đã chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian chờ lún như hút chân không, mặc dù có thể làm tăng chi phí nhưng sẽ đảm bảo được tiến độ cho dự án hoàn thành kịp lúc với các tuyến cao tốc khác", ông Bùi Xuân Cường cho hay.
Với dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết, Hà Giang phụ trách thực hiện 27km tuyến cao tốc. Sau buổi kiểm tra của Phó Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã giải quyết được cơ bản các vấn đề về mặt bằng, vật liệu và tiến độ. Các nhà thầu đã huy động 300 thiết bị, 500 công nhân trên công trường để bù tiến độ. "Tỉnh Hà Giang quyết tâm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong năm 2025", bà Vương Ngọc Hà khẳng định.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/NB
Trả lời kiến nghị của địa phương về vấn đề tăng vốn, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nguồn vốn các địa phương đề xuất gồm dự án Tuyên Quang - Hà Giang (tỉnh Tuyên Quang đề nghị bổ sung 1.800 tỷ đồng, tỉnh Hà Giang đề nghị bổ sung 1.387 tỷ đồng), dự án Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung 350 tỷ đồng nhu cầu vốn năm 2025) Bộ Tài chính đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và tiêu chí ưu tiên vốn cho các dự án cam kết hoàn thành trong năm 2025, Bộ Tài chính đã cân đối đủ nguồn để chi cho tất cả các dự án mà địa phương đề xuất, quan trọng là công tác giải ngân các ban quản lý dự án, các địa phương thực hiện như thế nào", Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhìn nhận, tất cả những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án mà địa phương, các nhà thầu vừa nêu dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cùng sự sâu sát của các Phó Thủ tướng phụ trách đều đã được giải quyết. Thời gian làm cao tốc gấp rút, Chính phủ đã yêu cầu cả quân đội và công an vào hỗ trợ các Ban quản lý dự án, các địa phương vì mục tiêu cao nhất hoàn thành 3.000km cao tốc, do đó, các nhà thầu cần nêu cao tinh thần san sẻ khó khăn, nhà thầu mạnh hỗ trợ nhà thầu kém hơn để hoàn thành đúng thời gian cam kết.
Về vấn đề áp dụng định mức, đơn giá dự toán, Bộ trưởng đề nghị các nhà thầu cần tuân thủ đơn giá đã ban hành trên tinh thần "nhà thầu cảm thấy thoải mái, phù hợp thì nhận làm". Bộ Xây dựng khẳng định trước ngày 30/4 sẽ ban hành đơn giá thống nhất để các nhà thầu có căn cứ làm quyết toán.
"Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm thông xe vào dịp 30/4/2025 tuyến chính cao tốc dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và hoàn thành 70km đoạn Vân Phong - Nha Trang. Với dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và dự án thành phần 2 Biên Hòa - Vũng Tàu cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, theo dõi lún để chuyển ngay sang thi công lớp móng, mặt đường khi đủ điều kiện, phấn đấu hoàn thành tuyến chính trước ngày 31/12/2025", Bộ trưởng nói.
Với các địa phương phụ trách dự án thành phần của cao tốc, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, lập lại tiến độ, chủ động về nguồn vật liệu, có các giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ hoàn thành dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật để hướng dẫn các địa phương: thủ tục hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa sau khi thi công xong công trình; đánh giá mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân do thi công các dự án; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Điều 103 Luật Đất đai.
Bộ Công Thương phối hợp, hỗ trợ các địa phương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế.
Phan Trang
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bo-truong-bo-xay-dung-khong-lui-tien-do-hoan-thanh-cac-du-an-cao-toc-bac-nam-102250329210333182.htm
Bình luận (0)