Tiềm năng phát triển và những rào cản cần tháo gỡ
Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2020 – 2023, kinh tế tư nhân đóng góp trung bình 50,3% GDP, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước với 20,8% và khu vực FDI 20,2%.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế...; đóng góp khoảng 1 tỷ USD an sinh xã hội hàng năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, khả năng tiếp cận vốn của DNNVV thường tỷ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế - xã hội. Ở các nước phát triển, thị trường tài chính đa dạng giúp DNNVV dễ dàng huy động vốn qua tín dụng, trái phiếu hay quỹ đầu tư. Ngược lại, tại các quốc gia kém phát triển, hạn chế về hạ tầng tài chính khiến việc tiếp cận vốn trở thành bài toán nan giải.
Thống kê của IFC cho thấy, trên thế giới, DNNVV có thể tiếp cận tới khoảng 40 nguồn vốn khác nhau. Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ có khoảng 6 nguồn vốn chính cho DNNVV và họ chủ yếu vẫn dựa vào kênh tín dụng ngân hàng, một phần nhỏ qua bảo lãnh và cho thuê tài chính, cùng với vốn tự có và vốn đối tác như trả chậm, thư tín dụng, trong khi các nguồn vốn thay thế như quỹ đầu tư hay thị trường trái phiếu vẫn còn rất hạn chế.
Hiện Việt Nam đã có khung pháp lý về DNNVV như: Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017; Luật Các TCTD (sửa đổi) năm 2024; các chính sách hỗ trợ giai đoạn 2015-2024 và các chính sách ưu tiên tín dụng của NHNN. Tuy nhiên, các DNNVV vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Vấn đề này theo TS. Cấn Văn Lực xuất phát từ cả phía doanh nghiệp và tổ chức tài chính.
Với DNNVV, rào cản đến từ việc cho vay khu vực này có rủi ro cao hơn so với các khu vực khác do lịch sử tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của TCTD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi chứng minh vốn góp bằng tài sản cũng như không có đủ tài sản thế chấp. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được yêu cầu của TCTD. Doanh nghiệp cũng chưa lập được kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả nợ theo yêu cầu của TCTD.
Từ phía TCTD, rào cản thường đến từ việc TCTD e ngại cho vay do thông tin doanh nghiệp không đầy đủ, minh bạch. Bên cạnh đó, rủi ro cao dẫn đến lãi suất tăng làm vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Việc cho vay dựa trên dòng tiền cũng gặp khó do thông tin doanh nghiệp không công khai, minh bạch và chính xác. Rào cản cũng đến từ tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế thời gian vừa qua.
Về nguồn vốn từ các TCTD phi ngân hàng, Việt Nam hiện có 1.176 QTDND, 10 công ty cho thuê tài chính, 16 công ty tài chính tiêu dùng và 4 tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, tỷ lệ nguồn vốn huy động từ các đơn vị này chỉ chiếm 1% tổng dư nợ toàn hệ thống, rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. So sánh với các nước láng giềng như Lào đạt gần 7%, Campuchia đạt hơn 23%, có thể thấy rõ ràng tỷ trọng của Việt Nam rất thấp.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 2% trong thời gian tới và hướng đến 3% vào năm 2030, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng.
Đối với kênh tiếp cận vốn qua thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp hay quỹ đầu tư, thực tế ở Việt Nam hầu hết DNNVV chưa niêm yết do chưa đáp ứng được yêu cầu niêm yết và đôi khi do doanh nghiệp chưa muốn công khai, minh bạch thông tin của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có ít kinh nghiệm và hiểu biết về kênh này, chi phí huy động qua kênh này thường cao so với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư do các quỹ này thường muốn tham gia quản lý hay sở hữu số cổ phần lớn tại doanh nghiệp.
Hay như kênh tiếp cận vốn qua Quỹ phát triển DNNVV. Dù được thúc đẩy từ năm 2018 nhưng đến giữa năm 2024, Quỹ phát triển DNNVV mới giải ngân được khoảng 600 tỷ đồng cho thấy hiệu quả còn rất hạn chế. Nguyên nhân đến từ tư duy bảo toàn vốn 100% khiến nhân sự tại Quỹ không dám quyết định do lo ngại rủi ro. Theo TS. Cấn Văn Lực, thực tế, trong 100 khoản vay, có thể mất 1-2 khoản, nhưng 98 khoản còn lại vẫn hoàn thành, đủ bù đắp và tạo lợi nhuận.
Ngoài ra, sự thiếu liên thông giữa ngân hàng và quỹ cũng là vấn đề. Đơn cử, cùng một khoản vay, ngân hàng chấp nhận tài sản đảm bảo nhưng quỹ thì không hoặc ngược lại. Có trường hợp cả hai bên đều đòi tài sản đảm bảo khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.
“Ở Thái Lan, chỉ cần một trong hai bên chấp nhận tài sản đảm bảo là đủ, nhờ hệ thống liên thông và công nhận lẫn nhau. Đây là bài học Việt Nam cần áp dụng”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Việc tiếp cận vốn qua hình thức cho vay trực tuyến/ngang hàng cũng chưa phát triển do kênh này chủ yếu cho cá nhân vay. Tại Việt Nam, đây chưa phải là kênh chính thống do chưa có cơ chế thử nghiệm cho Fintech. Bên cạnh đó, kênh này cũng khá rủi ro do thiếu cơ sở pháp lý, thông tin thiếu minh bạch.
Giải pháp nào cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV?
Để tháo gỡ bài toán tiếp cận vốn, TS. Cấn Văn Lực đề xuất một loạt giải pháp mang tính đồng bộ, từ cơ quan quản lý đến chính các DNNVV.
Đó là cần hoàn thiện hành lang pháp lý bao gồm xây dựng cơ chế sandbox cho fintech trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Phát triển thị trường vốn, đặc biệt là cổ phiếu, trái phiếu và quỹ đầu tư cũng là hướng đi quan trọng, thay vì trông chờ vào việc lập sàn giao dịch riêng cho DNNVV.
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ Phát triển DNNVV, củng cố hệ thống bảo lãnh tín dụng. “Với 28 quỹ địa phương hoạt động kém hiệu quả, chúng ta xem xét có nên lập quỹ quốc gia hay không. Và nếu giữ quỹ địa phương thì phải có biện pháp nâng cao hiệu quả, thay đổi tư duy bảo toàn vốn”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
Ngoài ra, cần phát triển TCTD phi ngân hàng. Mặc dù Luật Các TCTD (sửa đổi) đã tháo gỡ một số rào cản cho nhóm các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, nhưng hiệu quả của nhóm này vẫn còn chậm và khiêm tốn.
Việc nâng cấp hệ thống thông tin tín dụng và hạ tầng tài chính là yếu tố cốt lõi. Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các bên vay thì hệ thống thông tin tín dụng cần được gia cố và làm tốt hơn nữa, bao phủ rộng hơn nữa, cùng với đó là sự chính xác và khách quan.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục tài chính nhằm mở ra cơ hội cho các kênh huy động vốn trực tuyến. Luật Các TCTD (sửa đổi) 2024 có hai điểm tiến bộ lớn khi đã chính thức cho phép cho vay online và cho vay dưới 100 triệu đồng không cần phương án kinh doanh.
Về phía DNNVV, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Đồng thời, các DNNVV phải tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trong tài chính, kế toán, quản trị. Cùng với đó là đa dạng hóa nguồn vốn. Không chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng, DNNVV phải tăng cường tiếp cận vốn qua các kênh như quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển, cho thuê tài chính.
Ngoài ra, DNNVV đẩy mạnh chuyển đổi số và xanh, hướng tới niêm yết và phát hành chứng khoán.
Đối với tổ chức tài chính, nghiên cứu thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cần nỗ lực phấn đấu cho vay dựa trên dòng tiền với thông tin minh bạch từ doanh nghiệp. Linh hoạt hóa tài sản thế chấp như hàng tồn kho, hóa đơn, đơn giao hàng.
Các tổ chức tài chính tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục tài chính để nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp, người dân, hạn chế tìm đến tín dụng đen.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/can-dong-bo-cac-giai-phap-de-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-ben-vung-162079.html
Bình luận (0)