Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa chính thức được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định và công bố với 4 di sản ở An Giang, Hà Nội, Lào Cai.
Các di sản độc đáo này không chỉ mang đậm tính truyền thống, dân gian và bản sắc vùng miền của các địa phương… mà còn thể hiện nét văn hóa tâm linh với ý nghĩa riêng có.
Những di sản độc nhất vô nhị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cộng đồng Khmer vốn có rất nhiều điệu múa thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc, trong đó múa trống Chhay-dăm là vũ điệu quen thuộc, có thể biểu diễn từ sân khấu đến các lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ok Om Bok… Với người Khmer, tiếng trống, điệu múa Chhay-dăm không chỉ tượng trưng cho sự vui khỏe, an lành mà còn giúp cho những lễ hội, sinh hoạt cộng đồng thêm tưng bừng.
Là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột, trống Chhay-dăm có phần đầu trống phình to bịt bằng da trâu hoặc da trăn khô; đuôi trống nhỏ hơn được kết nối với chân trống bằng kim loại. Tùy vào người lớn hay trẻ nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Mỗi tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4-6 trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng quyết định đưa lễ hội truyền thống “Hội hát Chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Điệu hát chèo thuyền trên cạn độc đáo này của “Xứ Đoài mây trắng bay” là một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được trình diễn trên cạn cùng với tàu (thuyền).
Tất cả các bài hát trong chèo tàu đều ca ngợi công đức của Thành hoàng, các anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm con người… Đây có thể nói là một nghi lễ diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị khi chỉ có nữ hát. Đặc biệt hơn, để học, hát được chèo tàu thì ngoài năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống thì nữ diễn xướng còn phải là gái đồng trinh.
Hai di sản của Lào Cai được tôn vinh
Trong lần quyết định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận hai di sản độc đáo của tỉnh Lào Cai vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: tập quán xã hội và tín ngưỡng “Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai;” Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Người Pa Dí ở Mường Khương thường tổ chức nghi lễ cúng rừng vào cuối tháng Một âm lịch hàng năm, tại khu rừng cấm của thôn bản với lễ vật là những sản vật do dân làng tự cung tự cấp.
Giống như bà con các dân tộc thiểu số vùng cao, đồng bào Pa Dí (một nhóm nhỏ của dân tộc Tày) tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng giữ riêng cho mình một khu rừng cấm và gọi đó là rừng thiêng.

Rừng thiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cộng đồng người Pa Dí. Bởi họ quan niệm thần rừng, thần cây, thần suối là những đấng giúp xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống... Do đó, họ linh thiêng hóa khu rừng với ý thức tự nguyện bảo vệ các vị thần phụ trợ cho thôn bản.
Người Pa Dí giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình nên không bao giờ chặt cây, bẻ cành. Những đứa trẻ Pa Dí ngay từ thuở bé đã được ông bà, cha mẹ giáo dục và truyền dạy những luật tục về trách nhiệm, bổn phận trước khu rừng thiêng.
Cũng vì thế, nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí đã trở thành tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nghi lễ không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này cũng ghi nhận “Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.”
Nhờ nghề đan lát thủ công truyền thống của người Tày Nghĩa Đô, mà các nguyên liệu tự nhiên đã được những đôi tay khéo léo của người phụ nữ địa phương đã tạo thành nhiều sản phẩm thiết yếu trong trang trí và đời sống của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Nghề đan lát truyền thống này đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong đời sống sinh hoạt của người dân, được xem như nét văn hóa riêng, đậm bản sắc dân tộc. Trong thói quen sinh hoạt, người Tày thường chọn các vật dụng đan lát để trang trí, lao động sản xuất và ngày nay còn tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch nhằm gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình.
Như vậy, với 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa chính thức được ký quyết định công nhận, lãnh đạo các cấp nơi có di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bon-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-vua-duoc-cong-bo-dac-biet-the-nao-post1038608.vnp
Bình luận (0)