Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bún bánh Gò Chè - Hương xưa níu giữ hồn nay

Từ những hạt gạo quê hương, người dân Gò Chè - một xóm nhỏ ven sông Cầu đã tạo nên những sợi bún trắng trong, những chiếc bánh thơm mùi gạo mới. Suốt hơn bảy thập kỷ, tiếng nước chảy rì rào vẫn hòa nhịp với tiếng cối xay, tiếng nồi hấp bánh mỗi sớm tinh mơ… Gò Chè không chỉ giữ cho mình một nghề mưu sinh, mà còn gìn giữ cả ký ức, phong vị và niềm tự hào của bao thế hệ.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên25/05/2025

Người dân Gò Chè đầu tư máy móc làm bún cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Người dân Gò Chè đầu tư máy móc làm bún cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Gò Chè thuộc xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) là một xóm nhỏ với gần 1.000 nhân khẩu. Từ những năm 1950, người dân nơi đây đã bén duyên với nghề làm bún, bánh - một nghề tưởng chừng bình dị mà đòi hỏi sự tinh tế và kỹ lưỡng đến từng công đoạn. Hơn 200 hộ dân sinh sống thì có đến một phần tư số hộ trực tiếp sản xuất quy mô lớn, một số còn lại buôn bán nhỏ lẻ, cùng nhau làm nên thương hiệu bún bánh Gò Chè nức tiếng.

Người Gò Chè không chỉ làm bún. Từ những hạt gạo trắng ngần, họ sáng tạo nên nhiều món bánh đậm hồn quê như: bánh cuốn, bánh phở, bánh giò, bánh dậm, bánh gai… Mỗi món ăn là một lát cắt của ký ức, một phần tâm hồn đất và người nơi đây. Nhưng nổi bật nhất vẫn là bún và bánh cuốn - hai sản phẩm chủ lực, đồng thời cũng là niềm tự hào lớn nhất của người làm nghề.

Bún Gò Chè nổi tiếng vì độ dai tự nhiên, không phụ gia.
Bún Gò Chè nổi tiếng vì độ dai tự nhiên, không phụ gia.

Giữ trọn cái chất của một làng nghề thủ công truyền thống, người dân Gò Chè vẫn duy trì những quy trình sản xuất đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Dẫu vậy, để thích nghi với thời cuộc, nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng máy móc vào các công đoạn nặng nhọc như xay gạo, ép bún, nhào bột. Sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại giúp người dân vừa nâng cao năng suất, vừa đảm bảo chất lượng - yếu tố sống còn của một làng nghề lâu đời.

Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ một cơ sở sản xuất bún có tiếng trong vùng, chia sẻ: Bún Gò Chè nổi tiếng vì độ dai tự nhiên, không phụ gia. Muốn có sợi bún ngon, phải chọn loại gạo dẻo khô, không được quá mềm. Vo gạo kỹ đến khi nước trong vắt, sau đó xay thành bột, vắt ráo rồi mới cho vào máy làm bún. Công việc bắt đầu từ 1-2 giờ sáng và kết thúc lúc trời còn chưa rạng.

Xuyên đêm làm nên những sợi bún dẻo thơm.
Xuyên đêm làm nên những sợi bún dẻo thơm.

Cả làng dường như cùng tỉnh giấc trong màn đêm tĩnh lặng để kịp ủ gạo, xay bột, hấp bánh… Một guồng quay cần mẫn mà không hề vội vã, đều đặn như hơi thở. Quen rồi! Làm nghề này thì thức khuya, dậy vất vả đấy, nhưng cũng là cái nếp sinh hoạt ăn vào máu thịt từ lâu rồi. Mùa đông lạnh buốt, nhiều hôm tay tê cứng vì nước lạnh, nhưng đã trót yêu nghề, thì không nỡ dừng, ông Chiến cười hiền. Gắn bó với nghề hơn nửa đời người, ông vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện chuyển hướng. Con trai tôi cũng đang học nghề để nối nghiệp. Mình không chỉ làm vì kế sinh nhai, mà còn vì truyền thống của gia đình, của cả xóm làng, ông Chiến nói, trong mắt ánh lên niềm tự hào.

Từ những hạt gạo trắng ngần, người dân làm nên nhiều món bánh đậm hồn quê như bánh cuốn, bánh phở, bánh giò, bánh rậm, bánh gai…
Từ những hạt gạo trắng ngần, người dân làm nên nhiều món bánh đậm hồn quê như bánh cuốn, bánh phở, bánh giò, bánh rậm, bánh gai…

Cũng như ông Chiến, nhiều người dân trong xóm xem nghề không chỉ là công việc mà là một phần của cuộc sống - như bữa ăn, giấc ngủ, như hơi thở mỗi ngày. Với món bánh cuốn tưởng đơn giản nhưng lại là cả một nghệ thuật cân đo đong đếm: từ tỉ lệ pha bột - nước đến thời gian ủ, nhiệt độ tráng bánh… tất cả đều phải đạt đến độ chính xác tuyệt đối. Thiếu chút nước, bánh khô; nhiều nước, bánh rách; nhiệt thấp thì sống, cao quá thì cháy. Người làm nghề phải thật tinh ý, chỉ cần nhìn màu bột, nghe tiếng sôi là biết mẻ bánh có đạt hay không.

Không chỉ có bún và bánh cuốn, những loại bánh khác như bánh giò, bánh gai, bánh rậm… cũng mang dấu ấn rất riêng. Bà Trương Thị Thanh Huyền, người đã gắn bó với nghề hơn 30 năm, chia sẻ: Làm bánh giò nhìn đơn giản nhưng kỳ thực cũng rất kỳ công. Lá chuối phải chọn loại vừa độ già non, gạo thì dùng loại dẻo thơm, còn nhân thì phải giữ đúng công thức gia truyền. Mỗi chiếc bánh là cả tấm lòng người làm.

Từ những hạt gạo trắng ngần, người dân làm nên nhiều món bánh đậm hồn quê như bánh cuốn, bánh phở, bánh giò, bánh rậm, bánh gai…
Từ những hạt gạo trắng ngần, người dân làm nên nhiều món bánh đậm hồn quê như bánh cuốn, bánh phở, bánh giò, bánh rậm, bánh gai…

Cũng như cách bà Huyền nói, từng chiếc bánh ra lò không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, mà là sự gửi gắm của một vùng đất vào trong từng thớ gạo, từng lớp lá, từng hơi nóng còn phả nghi ngút trong thùng xốp ủ bánh.

Làng nghề không chỉ nuôi sống bao thế hệ mà còn góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương. Hiện thu nhập bình quân của các hộ làm nghề đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Đáng quý hơn cả là việc duy trì được sinh kế bền vững, giữ chân được người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cổng làng nghề bún bánh Gò Chè.
Cổng làng nghề bún bánh Gò Chè.

Hơn nửa thế kỷ được vinh danh là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, bún bánh Gò Chè vẫn âm thầm hiện diện trong đời sống ẩm thực của người Thái Nguyên và nhiều vùng lân cận. Những sợi bún trắng trong, những chiếc bánh thơm mềm, dù giản dị, vẫn đủ sức níu giữ vị giác và ký ức người ăn. Và hơn hết, chúng giữ lại hồn cốt của một làng nghề - nơi mà truyền thống không bị lãng quên, mà được nuôi dưỡng bằng chính đôi tay, tấm lòng và tình yêu của người làm nghề.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202505/bun-banh-go-che-huong-xua-niu-giu-hon-nay-75e1dda/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm