Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bước ngoặt chiến lược trong Luật KH,CN&ĐMST

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã thể hiện bước chuyển mạnh mẽ về tư duy phát triển tri thức, trong đó đáng chú ý là chủ trương “chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học”. Đây không chỉ là sự thay đổi về tổ chức thực hiện, mà là sự tái cấu trúc toàn diện hệ sinh thái nghiên cứu, nhằm đưa trường đại học trở về đúng vị trí vốn có của mình: trung tâm tạo ra và lan tỏa tri thức nền tảng.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ27/06/2025

img

Hoạt động nghiên cứu tại PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM

Đưa nghiên cứu cơ bản trở lại trung tâm của đại học

Quy định chuyển trọng tâm nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học được cụ thể hóa tại Điều 29, khoản 1, điểm c của Luật, trong đó nêu rõ: Nhà nước phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu cơ bản tại các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu theo nguyên tắc phù hợp với chức năng, thế mạnh của từng tổ chức và dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động.

Chính sách này thể hiện tầm nhìn chiến lược khi định vị trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là nơi sản sinh tri thức. Trong hệ thống nghiên cứu của nhiều nước tiên tiến, các trường đại học, đặc biệt là đại học nghiên cứu chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản. Tại Việt Nam, việc phân tán trọng tâm nghiên cứu cơ bản lâu nay khiến tiềm lực học thuật của khối đại học chưa được phát huy xứng đáng.

PGS.TS. Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM khẳng định: "Đây là một định hướng đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay… Việc chuyển trọng tâm nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là một bước chuyển quan trọng, thể hiện sự khẳng định rằng nghiên cứu là một chức năng cốt lõi của đại học, bên cạnh đào tạo và phục vụ cộng đồng."

Từ góc nhìn thực tiễn, PGS.TS. Phạm Trần Vũ cho biết, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM đã và đang xây dựng nền tảng vững chắc cho nghiên cứu cơ bản thông qua việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, mở rộng công bố quốc tế và đầu tư hạ tầng phòng thí nghiệm hiện đại. Các chủ trương từ Luật là cú hích quan trọng để nhà trường tăng tốc trên con đường phát triển mô hình đại học nghiên cứu.

Ba trụ cột hỗ trợ đại học thực hiện nhiệm vụ mới

Để hiện thực hóa vai trò trung tâm của đại học trong nghiên cứu cơ bản, theo PGS.TS. Phạm Trần Vũ, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ toàn diện dựa trên ba trụ cột: tài chính, nhân lực và quyền tự chủ.

Về tài chính, PGS.TS. Phạm Trần Vũ nhấn mạnh sự cần thiết của các chương trình tài trợ dài hạn, ổn định và mang tính cạnh tranh. Bên cạnh kinh phí thực hiện đề tài, cần chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu, hạ tầng dùng chung, đồng thời có chính sách đảm bảo thu nhập ổn định cho đội ngũ làm nghiên cứu cơ bản, yếu tố sống còn để giữ chân và thu hút người làm khoa học.

Về nhân lực, cần phát triển đội ngũ kế cận thông qua học bổng tiến sĩ gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ toàn diện cho nghiên cứu sinh về học phí, sinh hoạt và môi trường làm việc. Song song đó là các cơ chế tuyển dụng linh hoạt cho nhà khoa học trẻ, sau tiến sĩ, tạo điều kiện để họ phát triển học thuật độc lập.

Về quyền tự chủ, đại học cần được trao quyền thực chất trong xác lập định hướng nghiên cứu, phân bổ kinh phí, tuyển dụng nhân sự, hợp tác quốc tế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tự chủ là điều kiện cần để phát huy nội lực và xây dựng mô hình nghiên cứu phù hợp với đặc điểm riêng từng trường.

PGS.TS. Phạm Trần Vũ nhấn mạnh: "Chỉ khi được đầu tư đúng mức về con người, hạ tầng và thể chế linh hoạt, các trường đại học mới có thể thực hiện tốt vai trò là hạt nhân nghiên cứu trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia."

img

PGS.TS. Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM: "Nghiên cứu là một chức năng cốt lõi của đại học, bên cạnh đào tạo và phục vụ cộng đồng".

Từ nền tảng tri thức đến động lực đổi mới

Việc chuyển nghiên cứu cơ bản về đại học không chỉ nhằm tái cấu trúc hệ thống nghiên cứu, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người học và đội ngũ nghiên cứu trẻ. Trong môi trường đại học, nghiên cứu cơ bản không tồn tại tách biệt, mà gắn liền với đào tạo và ĐMST, tạo thành chuỗi giá trị liên thông từ tri thức đến ứng dụng.

Theo PGS.TS. Phạm Trần Vũ, khi sinh viên và nghiên cứu sinh được học tập trong môi trường nghiên cứu cơ bản phát triển, họ không chỉ tiếp cận được với tri thức lý thuyết, mà còn trực tiếp tham gia tạo ra tri thức mới, từ đó, hình thành tư duy phản biện, năng lực phân tích, khả năng sáng tạo - những năng lực cốt lõi cho nghiên cứu hiện đại.

Với đội ngũ nghiên cứu trẻ, nghiên cứu cơ bản là không gian để phát triển chuyên môn sâu sắc và bền vững. Khi được gắn kết với đào tạo và ĐMST, họ có thể tìm thấy ý nghĩa thực tiễn trong công trình nghiên cứu, mở rộng cơ hội hợp tác và khẳng định vị trí học thuật.

Về mặt chiến lược, sự kết nối giữa nghiên cứu cơ bản - đào tạo - ĐMST giúp hình thành hệ sinh thái học thuật ngay trong đại học. Đây là nền tảng để các trường chuyển mình từ mô hình đào tạo thuần túy sang mô hình đại học nghiên cứu và ĐMST - xu hướng chủ đạo trong giáo dục đại học toàn cầu.

Việc chuyển trọng tâm nghiên cứu cơ bản về đại học không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật trong chính sách phân bổ nguồn lực, mà là một quyết định mang tính tái định vị chiến lược. Đại học – nơi đào tạo, sáng tạo và lan tỏa tri thức – cần trở thành hạt nhân của hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Luật KH,CN&ĐMST đã đặt nền móng pháp lý cho quá trình này, nhưng việc hiện thực hóa nó cần có chính sách đồng bộ, lộ trình cụ thể và cam kết mạnh mẽ từ các bên liên quan. Trong đó, vai trò dẫn dắt của Nhà nước, sự chủ động của các trường đại học và sự tham gia của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành công./.

  • Tham khảo thêm

    Luật KH,CN&ĐMST: Đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, thúc đẩy tự do học thuật và tư duy quản trị mới

    Bước ngoặt chiến lược trong Luật KH,CN&ĐMST - Ảnh 3.
  • Tham khảo thêm

    10 đổi mới quan trọng của Dự thảo Luật KH, CN và ĐMST

    Bước ngoặt chiến lược trong Luật KH,CN&ĐMST - Ảnh 4.
Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/buoc-ngoat-chien-luoc-trong-luat-khcndmst-197250627112825636.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm