Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, nhiều hộ dân đã áp dụng khoa học công nghệ, triển khai mô hình nuôi cá chim vây vàng mang lại giá trị kinh tế khá cao. Quá trình nuôi cho thấy, cá chim vây vàng thích nghi tốt, dễ chăm sóc, có thể thay thế, chuyển đổi ở những vùng nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, nhất là ở các vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh.

Đầu năm 2025, ông Phạm Văn Huy - Giám đốc Công ty TNHH Trí Hà Tĩnh Hà Tĩnh triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Khu ao nuôi có tổng diện tích 1,3ha. Cá nuôi được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 cá được ương dưỡng với mật độ 10 con/m2, khi đạt khoảng 100g/con sẽ được chuyển sang các ao khác để nuôi giai đoạn 2. Mật độ trung bình giai đoạn này 3con/m2. Ao được trang bị đầy đủ hệ thống quạt nước, cung cấp oxy trong ao luôn đạt trên 5mg/l, hệ thống dàn quạt đảm bảo gom chất thải trong quá trình nuôi, tại đây, cá được nuôi đến khi thu hoạch đạt kích cỡ khoảng 500 - 700g/con.
Toàn bộ các giai đoạn nuôi sẽ áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học theo hướng tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường ao nuôi, hạn chế sử dụng thuốc và kháng sinh. Thường xuyên nuôi cấy vi sinh và đánh xuống ao để phân hủy phân cá trong suốt vụ nuôi nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi sạch sẽ. Với việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi đã giúp cá sinh trưởng phát triển tốt. Theo ông Phạm Văn Huy, sau 5 tháng thả nuôi, đến nay, cá nặng khoảng 0,5 đến 0,6 kg và đã bắt đầu xuất bán.

Với những tín hiệu khả quan từ mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn Viet GAP của ông Phạm Văn Huy, theo ông Trần Hậu Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Khê, nếu sau khi mô hình thành công, Hội Nông dân xã sẽ có kế hoạch mở rộng vùng nuôi, sẽ chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang nuôi cá chim vây vàng.
Việc nuôi cá chim vây vàng trong hệ thống ao nuôi tôm kém hiệu quả cần lưu ý đến nhiều yếu tố. Trong đó chú trọng công tác xử lý đáy ao bằng vôi, nguồn nước phải đảm bảo, tạo oxy thích hợp. Các chỉ số kỹ thuật phù hợp nhất, gồm: Nhiệt độ 26-32 độ C, độ mặn 10 - 20‰, oxy hoà tan 5-7 mg/lít, pH nước từ 7,5 – 8,5.

Để đảm bảo an toàn thì trước khi thả nuôi, cá phải có nguồn gốc rõ ràng, kích thước đồng đều và không mắc bệnh. Thay vì cho ăn các loại cá tạp, nguồn thức ăn phải sử dụng thức ăn công nghiệp, để đảm bảo môi trường nuôi luôn sạch. Hiện nay, đã có một số mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGap. Nhiều người dân sau khi hoàn thành mô hình với sự hỗ trợ của các ngành chức năng đã tự phát triển vùng nuôi của mình và bước đầu đã cho thu nhập ổn định.
Sau thành công của mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn Viet GAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, năm nay, ông Nguyễn Văn Mai (xã Thiên Cẩm) đã thả thêm 4.000 con giống trên diện tích 3000m2, dự kiến cuối vụ sẽ thu về 2 tấn đến 3 tấn cá thương phẩm. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm tôm và cua để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Tại Hà Tĩnh, cá chim vây vàng được nuôi bằng các hình thức khác nhau như: nuôi trong ao, trong lồng, hoặc nuôi ghép với tôm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ diễn biến phức tạp nên việc tận dụng ao nuôi tôm nước lợ bị bỏ hoang để nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng là giải pháp thiết thực, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện thu nhập cho nông dân. Với chi phí không cao, kỹ thuật không quá phức tạp trong khi việc tiêu thụ lại thuận lợi, cá chim vây vàng được xem là đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng cho những người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) nhận định: “Trên địa bàn Hà Tĩnh, diện tích hồ nước lợ khá nhiều. Mặc dù cơ sở vật chất hạ tầng còn đang hạn chế, nhưng với mô hình kỹ thuật đã được thử nghiệm, cho phép chúng ta thực hiện cải tạo ao nuôi và ứng dụng kỹ thuật từ xử lý hồ nuôi đến các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng từ ương cá đến nuôi thành phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá chim vây vàng tại một số địa phương đã mở những hướng chuyển đổi các vùng nuôi tôm kém hiệu quả. Tuy nhiên, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người dân khi xây dựng mô hình cần áp dụng khoa học công nghệ, tính toán kỹ lưỡng các yếu tố về môi trường, kỹ thuật, con giống và đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng đầu tư tràn lan không phát huy được hiệu quả kinh tế.
Nguồn: https://baohatinh.vn/ca-chim-vay-vang-giai-phap-cho-vung-nuoi-thuy-san-kem-hieu-qua-post291031.html
Bình luận (0)