• Khát vọng kinh tế xanh
  • Phát triển kinh tế xanh: Hướng đi chắc bền cho người dân Cà Mau
  • Tím biếc mùa hoa lục bình
  • Cà Mau hướng tới “thủ phủ” năng lượng xanh - Bài cuối: Chìa khoá đến Net zero

Một trong những đối tác quan trọng trong quá trình này là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Hiện tại, WWF đang triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau”, thực hiện tại huyện Ngọc Hiển (cũ), với sự tài trợ của Quỹ UBS Optimus Foundation UK. Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Người dân xã Đất Mũi thu hoạch thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn, đây là một trong những mô hình sinh kế bền vững được hỗ trợ từ dự án của WWF.

Qua thời gian triển khai, dự án đã góp phần nâng cao sinh kế cho người dân thông qua các mô hình nuôi trồng thuỷ sản bền vững dưới tán rừng (IMA), áp dụng các biện pháp quản lý tốt hơn (BMP), đồng thời tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của BĐKH. Hiệu quả rõ nét này cũng chính là cơ sở để WWF và tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng dự án kế tiếp nhằm đảm bảo tính liên tục và mở rộng quy mô hỗ trợ.

Đối mặt với nguy cơ hàng loạt tác động tiêu cực: xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, sạt lở bờ sông và bờ biển, thiên tai, an ninh nguồn nước, Cà Mau xác định ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng.

Cà Mau đang nỗ lực xây dựng mô hình phát triển xanh và bền vững trong khuôn khổ Chiến dịch “Thành phố Xanh” do WWF khởi xướng.

Trong đó, Cà Mau dự kiến tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng, được xem bước đi chiến lược, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Đây cũng là sáng kiến toàn cầu được triển khai từ năm 2011, hiện đã thu hút hơn 900 thành phố thuộc 70 quốc gia tham gia, nhằm tôn vinh và hỗ trợ các địa phương chủ động trong nỗ lực giảm phát thải và thích ứng BĐKH.

Tham gia chiến dịch, Cà Mau cũng như các địa phương khác sẽ được hỗ trợ hệ thống hoá cơ sở dữ liệu về chính sách, thông tin liên quan đến thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, BĐKH; được hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật xây dựng bản đồ tổng thể về phát thải khí nhà kính, xác định khả năng hấp thụ các-bon từ các lĩnh vực quan trọng của địa phương. Từ đó đề xuất các giải pháp giảm phát thải phù hợp để đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Đại diện Tổ chức WWF làm việc với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, nhằm trao đổi về kế hoạch vận động và xây dựng dự án mới giai đoạn tiếp theo.

Theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, việc tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” sẽ giúp địa phương tiếp cận các công cụ quản lý môi trường tiên tiến, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, cho biết: "Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và đối tác quốc tế như WWF để xây dựng và triển khai các dự án mới về bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, thích ứng với BĐKH. Việc tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” sẽ giúp tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển xanh và bền vững".

Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế uy tín như WWF, cùng quyết tâm của lãnh đạo và Nhân dân tỉnh, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hoá mục tiêu phát triển xanh, vì tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Hoàng Vũ

Nguồn: https://baocamau.vn/ca-mau-xanh-hoa-de-thich-ung-a40067.html