Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cải cách thể chế, kiến tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về việc tạo động lực tăng trưởng mới. Đây là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tháo gỡ những vướng mắc kéo dài trong hệ thống chính sách và tư duy quản lý, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả và bền vững. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, rào cản thể chế, chính sách cùng với tư duy quản lý cũ đang là nguyên nhân chính khiến khu vực này chưa phát huy hết tiềm năng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng16/05/2025

Xây dựng môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để tạo ra một bước ngoặt thực sự cho khu vực kinh tế tư nhân, điều quan trọng nhất là phải cải cách thể chế một cách toàn diện, triệt để và đồng bộ, bắt đầu từ cấp cao nhất trong bộ máy quản lý. Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, trước đây cải cách chủ yếu theo hướng “xin – cho”, từ dưới lên, nên thường không triệt để, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, rất khó để giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo của khu vực tư nhân, vốn đang được xem là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho biết, cải cách thể chế phải đi đôi với thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ “hạn chế - xin cho” sang “trao quyền – đồng hành” với doanh nghiệp. Đó chính là nền tảng để xây dựng một môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch, lấy hiệu quả làm trọng tâm thay vì hình thức hành chính.

Một vấn đề cốt lõi khác được Tiến sỹ Trần Đình Thiên chỉ rõ, đó là khoảng cách thực thi giữa chủ trương và hành động. Nhiều chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân đã được ban hành, nhưng khi triển khai xuống địa phương thì vướng nhiều quy định chồng chéo, cán bộ thực thi sợ trách nhiệm, dẫn đến doanh nghiệp vẫn “lạc đường” trong hành lang pháp lý. Vì vậy, bên cạnh cải cách pháp luật, cần có một bộ máy hành chính đủ năng lực, đủ bản lĩnh và đặc biệt là có tinh thần phục vụ thay vì kiểm soát.

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, không thể tiếp tục trông đợi vào tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ hay khai thác tài nguyên. Sức mạnh kinh tế quốc gia giờ đây nằm ở năng lực sáng tạo, công nghệ và tốc độ thích ứng với xu hướng mới. Do đó, khu vực tư nhân, với lợi thế linh hoạt, năng động, phải trở thành lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số và kinh tế xanh. Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, tinh thần khởi nghiệp cần được nâng lên một cấp độ mới, không chỉ là khởi nghiệp cá nhân mà là khởi nghiệp hệ thống. Do vậy, nhà nước cần khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu công nghệ cao tư nhân, các quỹ đầu tư do tư nhân làm chủ. Đồng thời, cũng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đất đai cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ xanh…

Phân tích vai trò của thế hệ doanh nhân mới, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng, thế hệ doanh nhân mới phải là những người không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có tư duy toàn cầu, ý thức pháp quyền và tinh thần phát triển bền vững. Đây sẽ là lực lượng dẫn dắt khu vực tư nhân hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cấp vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, cũng cần xây dựng một “hệ sinh thái hỗ trợ” đồng bộ, trong đó bao gồm, hệ thống ngân hàng linh hoạt, các tổ chức tư vấn chiến lược, các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, hệ thống pháp luật nhất quán, ổn định. Những yếu tố này nếu thiếu sẽ khiến doanh nghiệp dễ rơi vào trạng thái “tự bơi” đơn lẻ, không đủ sức vượt qua các cú sốc thị trường.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên đánh giá vai trò của liên kết vùng và ngành trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên cần chuyển từ mô hình phát triển địa phương hóa sang mô hình kết nối liên vùng theo chuỗi giá trị. Các tỉnh, thành cần chủ động phối hợp để thu hút đầu tư có chọn lọc, phát huy lợi thế so sánh thay vì cạnh tranh không lành mạnh. Nhà nước có thể đóng vai trò điều phối, đưa ra khung chính sách liên kết vùng để doanh nghiệp tư nhân tham gia hiệu quả hơn. Về mặt dài hạn, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng cần thiết lập một khung pháp lý riêng cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có cơ chế phản hồi chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ số đánh giá mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh và kênh đối thoại chính thức giữa doanh nghiệp và chính quyền. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng hoạch định chính sách, mà còn tạo ra niềm tin và động lực để khu vực tư nhân yên tâm đầu tư phát triển.

Cải cách thể chế sâu rộng và đồng bộ

Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất nông sản, bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty OCOP Center cho rằng, Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mang tính định hướng chính trị, mà còn là kỳ vọng rất thực tế của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Việc Bộ Chính trị khẳng định rõ kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế đã tạo ra tâm thế mới cho giới doanh nghiệp. Nghị quyết 68 đã tiếp thêm niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu phát triển dài hạn, chủ động mở rộng thị trường và theo đuổi những hướng đi mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm. Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, điều doanh nghiệp mong đợi là sự chuyển hóa thành chính sách cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp cận và có tính khả thi cao.

Bà Trần Thị Thu Thủy cho rằng, các rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp nông sản đang đối mặt bao gồm: thiếu thông tin thị trường, thiếu cơ chế kết nối thương mại quốc tế, bao bì mẫu mã chưa đạt chuẩn và đặc biệt là chi phí logistics và chi phí bảo quản sản phẩm còn quá cao. Nhiều thị trường xuất khẩu được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp lại thiếu dữ liệu cần thiết để định vị sản phẩm, đồng thời không rõ cách tiếp cận hay kết nối với đối tác phù hợp. Trong bối cảnh đó, phần lớn doanh nghiệp vẫn phải tự xoay xở toàn bộ quy trình, từ sản xuất đến thương mại, dù năng lực và nguồn lực còn hạn chế.

Theo bà Trần Thị Thu Thủy, để khắc phục những rào cản nêu trên, điều cốt yếu là cần một thể chế thực sự mang tính kiến tạo, trong đó nhà nước đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thông qua các nền tảng chức năng như thông tin thị trường, tiêu chuẩn, công nghệ, logistics và xúc tiến thương mại. Với lĩnh vực nông sản, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản và áp dụng các quy trình chế biến hiện đại, đáp ứng yêu cầu vận chuyển đường dài, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định quốc tế.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Thủy kỳ vọng các quy định mới sẽ xóa bỏ tư duy “xin – cho”, thay vào đó là chính sách rõ ràng, minh bạch, bảo đảm quyền chủ động cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát huy năng lực tự thân, đúng như tinh thần mà Nghị quyết 68 đã chỉ ra: muốn kinh tế tư nhân bứt phá, phải bắt đầu từ cải cách thể chế sâu rộng và đồng bộ.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/cai-cach-the-che-kien-tao-dong-luc-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-4006549/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm