Trung - Nga bắt tay xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng, mở rộng ảnh hưởng không gian

Hình minh họa về căn cứ Mặt Trăng giả định của Trung Quốc (Ảnh: Getty Images).
Trong một bước đi chiến lược mang tính định hình lại cục diện khai phá không gian, Trung Quốc và Nga vừa chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2036.
Công trình này sẽ là trung tâm năng lượng cho Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) - một dự án hạ tầng khoa học vũ trụ tham vọng do hai quốc gia đồng lãnh đạo, được thiết kế để vận hành tự động và không cần con người trực tiếp hiện diện trong giai đoạn đầu.
Thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nỗ lực của Bắc Kinh và Moscow nhằm thiết lập một cơ sở cố định có người lái tại cực nam Mặt Trăng, nơi có điều kiện chiếu sáng liên tục và tiềm năng nước đóng băng. Đây được xem là nguồn tài nguyên chiến lược cho các nhiệm vụ dài hạn.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh NASA đang đề xuất thu hẹp ngân sách cho chương trình Gateway, một trạm vũ trụ quỹ đạo Mặt Trăng từng được xem là hạt nhân của sứ mệnh Artemis nhằm đưa người Mỹ trở lại bề mặt Mặt Trăng vào năm 2027.
Việc Mỹ tạm hoãn chương trình quan trọng, trong khi Trung Quốc và Nga đẩy mạnh sự hiện diện trên Mặt Trăng, đã làm dấy lên lo ngại về sự tái phân bổ quyền kiểm soát không gian Mặt Trăng - khu vực đang được định hình như một "chảo lửa chiến lược mới" giữa các thế lực siêu cường.
Theo ông Yury Borisov, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, lò phản ứng sẽ được triển khai bằng thiết bị robot và xây dựng hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ gần như đã sẵn sàng để đưa vào thực tiễn.
Người đại diện của Roscosmos cũng cho biết ILRS sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc tiến hành các nghiên cứu không gian cơ bản, thử nghiệm các hệ thống tự vận hành, đồng thời tạo tiền đề cho các nhiệm vụ có người điều khiển trong tương lai.
Hiện đã có 17 quốc gia bày tỏ ý định tham gia ILRS, trong đó có các đối tác đến từ Trung Đông, Nam Á và châu Phi như Ai Cập, Pakistan, Venezuela, Thái Lan và Nam Phi. Tuy vậy, Mỹ vẫn nằm ngoài danh sách này.
Mỹ chững lại với Artemis và Gateway, đối mặt thách thức chiến lược từ đối thủ

NASA đối mặt thách thức chiến lược từ đối thủ và có nguy cơ tụt hậu do cắt giảm ngân sách không gian (Ảnh: NASA).
Giới chuyên môn cho rằng, các hệ thống nền tảng cho ILRS sẽ được triển khai thông qua sứ mệnh Chang'e-8 của Trung Quốc vào năm 2028, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này đưa phi hành gia tiếp đất Mặt Trăng.
Dự án ILRS có lộ trình phát triển dài hạn, với 5 đợt phóng tên lửa siêu nặng từ năm 2030 đến 2035 nhằm đưa các mô-đun hạ tầng thiết yếu lên Mặt Trăng.
Sau khi hoàn tất giai đoạn cơ bản, Trung Quốc sẽ triển khai mở rộng căn cứ, kết nối với trạm vũ trụ quay quanh Mặt Trăng cùng hai nút giao không gian tại vùng xích đạo và nửa tối Mặt Trăng.
Theo ông Wu Yanhua, kiến trúc sư trưởng chương trình thám hiểm vũ trụ sâu của Trung Quốc, hệ thống này sẽ được vận hành bằng nguồn năng lượng hỗn hợp gồm năng lượng Mặt Trời, đồng vị phóng xạ và hạt nhân.
Cùng với đó là tích hợp mạng lưới liên lạc tốc độ cao, xe tự hành có áp suất và không có áp suất, và phương tiện vận tải Mặt Trăng để phục vụ cả nghiên cứu lẫn hậu cần.
Động thái này phản ánh rõ ràng sự dịch chuyển quyền lực công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ từ phương Tây sang các cường quốc châu Á - Âu, trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với những thách thức nội tại về ngân sách và ưu tiên chính sách.
Trong khi đó, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng năng lực không gian của mình kể từ khi sứ mệnh Chang'e 3 hạ cánh thành công vào năm 2013, mang theo xe tự hành đầu tiên lên Mặt Trăng. Các sứ mệnh sau đó không chỉ mở rộng sự hiện diện trên Mặt Trăng mà còn đặt nền móng cho tham vọng dài hạn với Sao Hỏa và không gian sâu.
Trong bối cảnh đó, chương trình Artemis của NASA - vốn được kỳ vọng đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ - lại đối diện nguy cơ chậm trễ, trong khi trạm Gateway có thể bị loại khỏi ngân sách năm 2026 theo đề xuất mới.
Điều này không chỉ khiến Mỹ tụt lại phía sau trong cuộc đua thiết lập căn cứ Mặt Trăng, mà còn làm giảm ảnh hưởng chiến lược của Washington trong việc thiết lập chuẩn mực hoạt động và khai thác tài nguyên ngoài Trái Đất.
Điều đáng nói, đây lại là các lĩnh vực được dự báo sẽ định hình cán cân quyền lực khoa học và quân sự toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/can-cu-mat-trang-trung-quoc-va-nga-thach-thuc-vi-the-khong-gian-cua-my-20250514084020290.htm
Bình luận (0)