Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) vẫn đối mặt với không ít vướng mắc pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và niềm tin của nhà đầu tư.
Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng các nhà đầu tư, để làm rõ những "điểm nghẽn" và tìm kiếm giải pháp.
Thưa ông, dưới góc độ của một luật sư và đại diện cho các nhà đầu tư tài chính tại KCN, ông đánh giá thế nào về bối cảnh hiện tại của môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt tại các KCN?
Ông Nguyễn Hồng Chung: Hiện Chính phủ đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ, điển hình là Nghị quyết số 66. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, với vai trò là người trực tiếp tư vấn và đồng hành cùng nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy l đằng sau những con số ấn tượng về thu hút FDI, các doanh nghiệp tại KCN vẫn đang phải "vượt rào" qua rất nhiều vướng mắc pháp lý. Những thách thức này không chỉ là chi phí, thời gian, mà nó còn bào mòn niềm tin và làm chậm lại động lực phát triển.
Ông có thể chỉ rõ hơn những “điểm nghẽn” cụ thể mà các nhà đầu tư đang gặp phải, đặc biệt trong khâu thủ tục đầu tư ban đầu?
Ông Nguyễn Hồng Chung: Điểm nghẽn lớn nhất và cố hữu nhất chính là sự chồng chéo và thiếu liên thông giữa các luật cốt lõi như Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng và Bảo vệ môi trường. Các thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định thiết kế, hay phê duyệt đầu tư mới hiện đang diễn ra như những đường chạy song song, thiếu sự phối hợp. Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ trùng lặp, chờ đợi khâu này xong mới đến khâu kia, làm chậm tiến độ toàn dự án.
Bên cạnh đó, thời gian xử lý thủ tục trên thực tế thường kéo dài hơn quy định rất nhiều. Tôi xin nhấn mạnh ba "nút thắt" lớn nhất. Trong đó, tiếp cận đất đai luôn là rào cản lớn.
Thứ hai, quy trình đánh giá tác động môi trường vẫn còn phức tạp. Doanh nghiệp thường xuyên phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, gây chờ đợi kéo dài.
Thứ ba, các quy định về PCCC thay đổi liên tục và đôi khi chưa phù hợp thực tiễn. Quá trình thẩm duyệt thiết kế PCCC và xây dựng thường thiếu hướng dẫn thống nhất, buộc doanh nghiệp phải sửa đổi thiết kế nhiều lần, làm chậm tiến độ đưa công trình vào hoạt động.
Ngoài các thủ tục đầu tư, các vấn đề về thuế và hải quan dường như cũng là nỗi trăn trở lớn của doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ thêm về những vướng mắc trong các lĩnh vực này không?
Ông Nguyễn Hồng Chung: Về thuế, chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt cho dự án công nghệ cao, đôi khi chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các địa phương. Nhưng vấn đề nhức nhối nhất có lẽ là thủ tục hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư mới. Thời gian giải quyết kéo dài gây ứ đọng vốn rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp ngay trong giai đoạn cần vốn nhất.
Về hải quan, dù đã có nhiều cải cách, doanh nghiệp vẫn đối mặt với rủi ro từ việc phân loại hàng hóa và xác định mã HS không thống nhất, dễ dẫn đến tranh chấp và truy thu thuế. Đặc biệt, khâu kiểm tra chuyên ngành vẫn còn chồng chéo, khiến hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ việc nhận diện một cách toàn diện các vướng mắc như vậy, với vai trò là đại diện tiếng nói của các nhà đầu tư, VIPFA có những kiến nghị chính sách cụ thể nào để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Chung: Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất bốn nhóm giải pháp trọng tâm:
Một là, hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật. Cần khẩn trương rà soát để tạo ra một quy trình liên thông thực sự giữa Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Môi trường. Hãy hình dung một cơ chế mà nhà đầu tư chỉ cần nộp một bộ hồ sơ và được xử lý đồng thời, thay vì phải đi qua nhiều cửa như hiện nay.
Hai là, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số. Cần rút ngắn thực chất thời gian xử lý hồ sơ đất đai, xây dựng và công khai quy trình. Số hóa toàn bộ quy trình và xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" hiệu quả tại các Ban quản lý KCN là chìa khóa để tăng cường minh bạch và giảm chi phí không chính thức.
Ba là, rà soát và hoàn thiện chính sách thuế, hải quan. Phải đơn giản hóa và rút ngắn thời gian hoàn thuế GTGT để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp. Về hải quan, cần hướng tới một đầu mối kiểm tra chuyên ngành hoặc công nhận kết quả lẫn nhau, đồng thời nới lỏng các quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ một cách hợp lý.
Cuối cùng, tăng cường đối thoại và nâng cao năng lực công chức. Cần thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại công - tư thực chất để giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở. Đội ngũ cán bộ công chức cần được nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần phục vụ, xem doanh nghiệp là đối tượng để hỗ trợ, không phải để quản lý.
Chúng tôi tin rằng, việc tháo gỡ các vướng mắc này không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà cần sự đồng hành, phản biện xây dựng từ chính cộng đồng doanh nghiệp. VIPFA cam kết sẽ tiếp tục là cầu nối vững chắc, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư tại các KCN ngày càng thông thoáng và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/can-quy-trinh-lien-thong-de-giai-bai-toan-diem-nghen-phap-ly-tai-khu-cong-nghiep/20250721042113872
Bình luận (0)