Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cập nhật địa danh mới phù hợp từng môn học

GD&TĐ - Sau khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, tên gọi nhiều địa phương đã thay đổi. Nhiều nội dung giáo dục chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi này.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại21/07/2025

Nhiều môn học bị tác động

Trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 5, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ngay trong bài học đầu tiên, ở nội dung lãnh thổ và đơn vị hành chính, vẫn hiển thị nội dung “Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Sau sáp nhập, nội dung này không còn phù hợp với thực tế.

Với môn Lịch sử và Địa lí lớp 4, học sinh được học các chủ đề về vị trí địa lý địa phương trên bản đồ Việt Nam, mô tả một số nét chính về tự nhiên của địa phương, trình bày hoạt động kinh tế. Cùng đó là các chủ đề về các vùng đất trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính, các vùng kinh tế - xã hội như cách phân chia cũ không còn. Cụ thể, không còn khu vực duyên hải miền Trung cũng như vùng Tây Nguyên mà sẽ có các tỉnh vừa có núi, vừa có biển tại khu vực Nam Trung Bộ.

Tương tự nội dung các môn học trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 9; sách giáo khoa Địa lí lớp 12. Đối với chương trình Lịch sử lớp 10, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10, tên địa danh các tỉnh cũ như Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh xuất hiện nhiều trong các bài học.

Tác động nhiều nhất là nội dung giáo dục địa phương. Tất cả tỉnh, thành phố đều có sự thay đổi về địa giới, thay đổi tên gọi các xã, phường, bỏ cấp quận, huyện... dẫn đến các nội dung được biên soạn những năm trước không phù hợp. Ví dụ như Hải Phòng đã có vải thiều, bánh đậu xanh, Văn miếu Mao Điền; Hưng Yên ngoài nhãn lồng còn có thêm bánh cáy...

Hà Nội dù không phải địa phương thuộc diện sắp xếp, nhưng tên gọi nhiều vùng đất có nhiều thay đổi. Những tên quận quen thuộc như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... sẽ không còn mà thay thế bởi tên các phường có tên gọi mới. Việc quen với các địa danh mới là thách thức không nhỏ trong quá trình giảng dạy của các thầy, cô giáo, nhà trường.

Cô Trương Thị Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (Cửa Nam, Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, giáo viên trong trường quá quen thuộc với tên gọi quận Hoàn Kiếm. Trong các bài giảng, cô trò đều nhắc đến tên gọi này với tình cảm thiêng liêng. Nay trường thuộc địa phận phường Cửa Nam. Để quen với tên gọi này cần thêm nhiều thời gian cùng nỗ lực của các thầy cô để giúp học sinh làm quen với các tên gọi địa danh mới.

cap-nhat-dia-danh-moi-phu-hop-voi-tung-mon-hoc-2.jpg
Giờ sinh hoạt chuyên môn của giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng, Hà Nội).

Giúp trò sớm tiếp cận kiến thức mới

Trong khi chờ hướng dẫn chính thức, nhiều cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Từ thực tế triển khai tại cơ sở, nhiều nhà trường đã chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm việc giảng dạy thích ứng kịp thời.

Bà Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Định Công, Hà Nội), cho biết: Việc cập nhật thông tin, dữ liệu địa phương ở các môn học Lịch sử và Địa lí là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi giáo viên sớm điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp thực tiễn.

Để bảo đảm việc dạy và học các môn Lịch sử và Địa lí lớp 9 không bị gián đoạn, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề để giáo viên kịp thời nắm bắt thông tin hành chính mới, các văn bản liên quan và những biến đổi về kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương. Đồng thời rà soát, điều chỉnh nội dung bài giảng, tài liệu tham khảo, bản đồ, lược đồ nhằm bảo đảm tính chính xác, phù hợp.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên được khuyến khích đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng hình ảnh, video tư liệu... giúp học sinh học tập trực quan, sinh động. Việc kiểm tra, đánh giá cũng được điều chỉnh theo hướng phát huy năng lực tư duy và chú trọng đến khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và kỹ năng phân tích, so sánh, đánh giá của học sinh.

Trong khi đó, cô Vũ Thị Anh - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Ân Thi (Ân Thi, Hưng Yên), cho biết: Việc chỉnh lý, bổ sung tài liệu là điều cần thiết nhằm bảo đảm tính chính xác, cập nhật và phù hợp thực tiễn.

Theo cô Anh, giáo viên cần chủ động mở rộng, tích hợp thêm các kiến thức liên quan. Chẳng hạn, trước đây nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Hưng Yên không đề cập yếu tố biển, thì nay, sau khi sáp nhập với tỉnh ven biển Thái Bình, cần bổ sung thêm thông tin về địa lý, văn hóa phù hợp.

Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn cụ thể, giáo viên nhà trường chủ động tìm hiểu, khai thác tư liệu từ các nguồn đáng tin cậy để điều chỉnh, cập nhật nội dung bài giảng. Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm, mà còn góp phần giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, chính xác và gần gũi với thực tiễn địa phương.

Bà Lương Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình (Púng Luông, Lào Cai), cho biết: Trước đây, nhà trường thuộc địa phận xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - cái tên đã quen thuộc không chỉ với nhân dân địa phương mà cả nước. Việc thay đổi tên gọi chắc chắn sẽ khiến nhiều học sinh chưa quen trong thời gian đầu.

Do đó, nhà trường đã yêu cầu các thầy, cô giáo chủ động nghiên cứu và điều chỉnh nội dung trong kế hoạch bài dạy để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Tháng 8 tới, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch dạy học của các môn học và hoạt động giáo dục, giúp giáo viên kịp thời cập nhật và triển khai trong năm học mới.

Bộ GD&ĐT cho biết, đang khẩn trương hoàn tất rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học nhằm bảo đảm chương trình được triển khai phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, có các môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính sẽ hướng dẫn các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt, chỉnh lý nội dung cần thiết để cập nhật thông tin hành chính mới theo hướng bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa, hiệu quả trong triển khai dạy học.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cap-nhat-dia-danh-moi-phu-hop-tung-mon-hoc-post740164.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm