Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chấp nhận văn hoá thất bại và đầu tư mạo hiểm để phát triển công nghệ vũ trụ

DVNN - Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực “quý tộc”, đầu tư lớn, nhưng sản phẩm có tính mạo hiểm cao. Do đó, Việt Nam cần chấp nhận “đầu tư mạo hiểm”, “văn hoá thất bại”, chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học dám dấn thân.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp24/07/2025

Tại toạ đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” ngày 24/7 tại Hà Nội, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng dẫn báo cáo mới nhất của Space Foundation cho biết, kinh tế vũ trụ toàn cầu năm 2024 đã đạt gần 613 tỷ USD và được dự báo sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn.

Còn tại Việt Nam, mặc dù công nghệ vũ trụ còn ở giai đoạn đầu phát triển, chúng ta đã có những bước đi quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, công nghệ vũ trụ là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển để phục vụ chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.

Chính phủ cũng đang từng bước xây dựng chính sách hỗ trợ hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vũ trụ cất cánh, hướng tới hình thành nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam trong tương lai.

Cũng nhắc đến chủ trương, chính sách của Nhà nước về vai trò của công nghệ vũ trụ, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề rất đúng đắn về vai trò của công nghệ vũ trụ. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 131 xác định danh mục các công nghệ chiến lược và các sản phẩm công nghệ chiến lược mà Nhà nước tập trung phát triển. Trong đó, có công nghệ vũ trụ và một số sản phẩm công nghệ vũ trụ phù hợp với nhu cầu, năng lực của nền kinh tế Việt Nam.


TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN. Ảnh: TPO.

Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ vũ trụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhất là khi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Nếu Việt Nam tự lực được công nghệ làm chủ, phần nào đó làm chủ được không gian vũ trụ thiết yếu thì đất nước mới có cơ hội làm chủ công nghệ này và ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam hiện nay để phát triển công nghệ vũ trụ, giải pháp đầu tiên cần hoàn thiện thể chế, trong đó kiện toàn Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam, cơ quan phối hợp liên ngành để phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan khoa học điều phối chung hoạt động ở lĩnh vực khoa học vũ trụ.

Cần xem xét lại đầu tư của Nhà nước, có thể làm chủ, tiếp thu hay sáng tạo những công nghệ nền, công nghệ lõi trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Chính phủ nên giao Bộ KH&CN thành lập hay điều hành một chương trình khoa học công nghệ của quốc gia về công nghệ vũ trụ. Chương trình này có thể do Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam chủ trì điều hành, để sớm có sản phẩm công nghệ chiến lược về vũ trụ.

Thứ hai, cần cụ thể hoá quan điểm của Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 và Nghị quyết 1131. Việt Nam phải xây dựng dự án về công nghệ vũ trụ và thí điểm hình thành tập thể khoa học mạnh về công nghệ vũ trụ, mà đứng đầu là một tổng công trình sư xuất phát từ các dự án. Chưa có dự án thì chưa chọn tổng công trình sư.

Việt Nam cũng nên thí điểm cơ chế sandbox theo Nghị quyết 193 của Quốc hội, tức là thí điểm một dự án công nghệ lớn với chức danh của tổng công trình sư được giao quyền tự chủ rất cao, chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm và miễn trừ trách nhiệm cho những người chủ trì dự án công nghệ lớn. Như vậy, có thể mời các nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm và uy tín để đứng đầu các dự án công nghệ lớn.

"Việt Nam không thể trông chờ sự chuyển giao công nghệ vũ trụ từ nước ngoài. Liên quan đến an ninh quốc phòng, chúng ta phải làm chủ được công nghệ này thông qua xây dựng các dự án. Theo tôi cần có một khoản đầu tư đủ lớn từ Nhà nước. Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực “quý tộc”, đầu tư lớn, nhưng sản phẩm có tính mạo hiểm cao. Chúng ta cần chấp nhận “đầu tư mạo hiểm”, “văn hoá thất bại”, chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học dám dấn thân", cựu Bộ trưởng KH&CN đề xuất.

Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo và thu hút cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Nếu chỉ trông chờ vào kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ khó có được những nhà khoa học giỏi trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Nhà nước cần có chính sách đặt hàng đào tạo như thời bao cấp, qua đó chúng ta đã có những nhà khoa học rất nổi tiếng.

"Trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ. Chúng ta phải đầu tư sâu hơn, nhiều hơn cho công nghệ vũ trụ, vì nhu cầu an ninh quốc phòng đang đặt ra vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam phải quan tâm. Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không gian, nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi về công nghệ vũ trụ", TS Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trọng Hiền - chuyên gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện thí điểm cơ chế mới cho các nhà quản lý để họ thu hút nhân tài, tạo môi trường để các nhà chuyên môn phát triển khả năng của họ bằng những đề án kỹ thuật, bằng thí nghiệm khoa học, bằng việc hợp tác với trung tâm không gian. Nếu giải quyết được vấn đề cơ chế, Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn công nghệ không gian.

Nguyệt Minh

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chap-nhan-van-hoa-that-bai-dau-tu-mao-hiem-de-phat-trien-cong-nghe-vu-tru/20250724052442065


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm