Xã Chí Minh có 403 hộ, 1.757 nhân khẩu. Theo thống kê, toàn xã có trên 3.750 ha đất nông, lâm nghiệp (chiếm trên 73% diện tích đất tự nhiên). Đây là lợi thế để xã phát triển các mô hình sản xuất như trồng rừng, cây thạch đen, các loại cây ăn quả...
Ông Mã Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động nghiên cứu và căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để xác định các loại cây trồng chủ lực. Theo đó, xác định phát triển trồng quế, thạch đen và các loại cây ăn quả như quýt, cam đường Canh là hướng đi phù hợp, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây trên. Đồng thời, hằng năm, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 - 5 lớp tập huấn chuyển giao kĩ thuật trồng, chăm sóc rừng, cây thạch đen...; tổ chức 2 – 3 lớp đào tạo nghề về nông, lâm nghiệp cho người dân.
Bên cạnh đó, để người dân có vốn phát triển các mô hình sản xuất, cấp uỷ, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tràng Định đạt trên 12,4 tỷ đồng với 211 hộ vay.
Anh Triệu Văn Hoan, thôn Slam Khuổi, xã Chí Minh cho biết: Gia đình tôi hiện có 2 nhân khẩu. Năm 2022, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, tôi làm hồ sơ vay 60 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tràng Định để chăm sóc 2 ha quế. Năm 2024, gia đình tôi đã bắt đầu thu tỉa được gần 1 tấn vỏ quế, với giá bán từ 19.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng 2 sào thạch đen, mỗi năm thu được khoảng 1 tấn, với giá bán 30.000 đồng/kg. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng quế và thạch đen, gia đình đã có tổng thu nhập 50 triệu đồng/năm. Cuối năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện gia đình đang tập trung chăm sóc hơn 100 gốc cam đường Canh, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch năm đầu tiên, qua đó, giúp nâng cao thu nhập hơn cho gia đình.
Ngoài ra, chính quyền xã cũng ưu tiên sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền xã đã hỗ trợ người dân triển khai 5 dự án: 1 dự án chăn nuôi lợn (quy mô 100 con), 1 dự án chăn nuôi gà (quy mô 2.500 con), 1 dự án chăn nuôi bò (quy mô 16 con), 2 dự án chăn nuôi trâu thương phẩm (quy mô 22 con) với 44 hộ tham gia, tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đều được triển khai thành công, giúp khoảng 20 hộ có thu nhập tăng thêm từ 10 - 30 triệu đồng/năm.
Ông Mã Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết thêm: Trên địa bàn có nghề đan lát truyền thống. Vì vậy, ngoài những giải pháp trên, UBND xã đã tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân duy trì và phát triển nghề đan lát. Theo đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, đưa nội dung bảo tồn, phát triển nghề đan lát truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện; tuyên truyền các hộ làm nghề thành lập hợp tác xã để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con… Hiện toàn xã có 40 hộ dân với khoảng 120 người làm nghề đan lát. Từ nghề truyền thống đã góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/hộ/tháng. Qua đó, đóng góp vào công tác giảm nghèo của xã.
Ngoài nghề đan lát, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã và sự chủ động, tích cực của người dân, đến nay, toàn xã đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình như: mô hình trồng quế (165 ha); mô hình trồng keo (trên 100 ha); mô hình trồng thạch đen (5,7 ha); mô hình trồng cam đường Canh (6 ha); mô hình trồng mắc ca (8 ha); mô hình trồng mía (12,5 ha)... Toàn xã có trên 100 hộ dân có thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng/năm từ các mô hình kinh tế trên.
Ông Chu Tuấn Doanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tràng Định cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Chí Minh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, trong đó, chú trọng khai thác lợi thế sẵn có của địa phương để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm triển khai các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn xã vượt chỉ tiêu huyện đề ra, qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo chung của huyện.
Theo thống kê, kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,35%, giảm 1,35% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng/người so với năm 2023. Với kết quả này, tháng 2/2025, xã Chí Minh đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2024.
Nguồn: https://baolangson.vn/chi-minh-linh-hoat-cac-giai-phap-ho-tro-giam-ngheo-5043319.html
Bình luận (0)