Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ-HĐQT ngày 26/6/2025 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH Việt Nam trên cơ sở sáp nhập 3 Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình (cũ).
Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh có 21 phòng giao dịch và Hội sở chi nhánh; 397 điểm giao dịch tại 129/129 phường, xã; 6.219 Tổ tiết kiệm và vay vốn; hơn 219 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Sau sáp nhập, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội được duy trì liên tục, không bị gián đoạn.
Từ đầu tháng đến nay, doanh số cho vay đạt gần 80 tỷ đồng với trên 1,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt trên 200 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2025, hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác được duy trì ổn định, chất lượng, hiệu quả và thông suốt.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn hơn 342 tỷ đồng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, cũng như lồng ghép các hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; tích cực rà soát đối tượng vay vốn, tổ chức giải ngân đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; tập trung triển khai công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ủy thác trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xử lý nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 13.500 tỷ đồng; tổng doanh số cho vay đạt 2.964 tỷ đồng, với hơn 41.400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đạt hơn 13.500 tỷ đồng, với hơn 219 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 853 tỷ đồng so với đầu năm.
Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên các địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định, tổng số nợ quá hạn là hơn 17,9 tỷ đồng, chiếm 0,13%/tổng dư nợ (thấp hơn bình quân chung toàn quốc là 0,22%); nợ khoanh là hơn 2,1 tỷ đồng, chiếm 0,02%/tổng dư nợ.
Từ kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp phần tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động, đầu tư cho 437 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; đầu tư xây dựng, sửa chữa hơn 44.500 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng 193 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh; trên cơ sở Kế hoạch tín dụng 5 năm giai đoạn 2026-2030 của các chi nhánh trước khi sáp nhập, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình tham mưu UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH tại địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2026 và 5 năm giai đoạn 2026-2030 theo đơn vị hành chính mới; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Ngân hàng CSXH nơi cho vay để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; chủ động phối hợp rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi, không để phát sinh các trường hợp có nhu cầu, đủ điều kiện mà không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, phấn đấu sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 được giao.
Đối với các tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH nơi cho vay thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ cơ sở, chất lượng, hiệu quả an toàn cho hoạt động giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tại hội nghị, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết Văn bản liên tịch về việc thực hiện uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chi-nhanh-ngan-hang-csxh-tinh-trien-khai-nhiem-vu-6-thang-153978.htm
Bình luận (0)