
Đều đặn mỗi sáng, em Bùi Thị Minh Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng lại đến thư viện cộng đồng của tổ dân phố để đọc sách. Với nguồn sách phong phú và vị trí thuận tiện, gần nhà, cùng sự góp mặt của nhiều bạn đọc đồng trang lứa, thư viện đã mang đến cho Minh Anh nhiều trải nghiệm, niềm vui và kiến thức bổ ích.

Cháu rất vui khi thư viện được mở tại đây. Bình thường muốn đọc sách, cháu phải đi ra Thư viện tỉnh khá xa. Có thư viện này, cháu thường xuyên đến hơn, đọc được nhiều cuốn sách hay, được trò chuyện với các bạn, cháu thấy tự tin hơn trong giao tiếp.
Thư viện cộng đồng này được xây dựng từ sự đóng góp của người dân và các tổ chức xã hội tại tổ dân phố số 7, với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Với diện tích gần 80m², thư viện được thiết kế theo mô hình không gian mở, phục vụ miễn phí cho mọi lứa tuổi vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Hiện tại, thư viện có hơn 300 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học, đời sống xã hội, lịch sử, chính trị, truyện tranh, báo, tạp chí... Các góc sách, truyện được bố trí khoa học, sinh động và gần gũi, dễ tiếp cận với mọi đối tượng bạn đọc.
Chỉ sau gần hai tháng đi vào hoạt động, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của người dân, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng lối sống lành mạnh, đồng thời tạo không gian sinh hoạt chung, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Với tuổi già như chúng tôi, đến đây đọc sách cho nhau nghe, được giao lưu, học hỏi thêm, rất ý nghĩa. Từ hành động nhỏ đã mang lại niềm vui lớn cho người cao tuổi, không ngày nào là tôi không có mặt ở đây.
Cùng chung cảm xúc, bà Phạm Thị Hằng cho biết: “Sự đồng thuận của người dân đã góp phần tạo nên điều kỳ diệu này. Hy vọng thư viện sẽ luôn được làm mới, có thêm nhiều đầu sách hấp dẫn thu hút trẻ em, người lớn cũng có thể cập nhật tin tức, nâng cao tri thức”.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mô hình thư viện cộng đồng nhỏ nhưng ý nghĩa này cho thấy sức lan tỏa và hiệu quả tích cực trong việc khuyến khích thói quen đọc sách, là một điểm nhấn văn hóa, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
Hy vọng rằng, những mô hình thư viện cộng đồng như thế này sẽ ngày càng được nhân rộng, để văn hóa đọc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển tri thức và gắn kết cộng đồng.
Nguồn: https://baolaocai.vn/thu-vien-cong-dong-gop-phan-lan-toa-van-hoa-doc-post648872.html
Bình luận (0)