Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chỉ thị số 10/CT-TTg: Động lực mới cho khối DN nhỏ và vừa

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chỉ thị số 10/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/3/2025 được đánh giá là bước đi kịp thời trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang "loay hoay" với nhiều thách thức về vốn, thị trường và năng lực cạnh tranh.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ05/04/2025

Chỉ thị số 10/CT-TTg: Động lực mới cho khối DN nhỏ và vừa- Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh rằng Chỉ thị số 10/CT-TTg về phát triển kinh tế tư nhân là minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm đặc biệt và kịp thời của Chính phủ trong việc tạo động lực mới cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Chỉ thị số 10/CT-TTg được ban hành ngày 25/3/2025 trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Thân: Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, tức là có lợi thế lớn về số lượng, về tính linh hoạt và khả năng thích ứng. Nhưng ngược lại, đây cũng chính là khu vực yếu thế nhất trong chuỗi giá trị, nhất là khi tham gia vào các liên kết sản xuất – kinh doanh với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước hoặc khi bước ra thị trường quốc tế. Những hạn chế về quy mô vốn, công nghệ, trình độ quản trị, chất lượng nhân lực... khiến họ dễ bị tổn thương trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành rất đúng thời điểm, thể hiện sự quan tâm, đồng hành sâu sắc của Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân – đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đồng thời, chỉ thị 10/CT-TTg thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao trong phát triển kinh tế tư nhân. Khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ khu vực này phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Đây là sự tiếp nối và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW (2017) của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đây cũng là lần đầu tiên Hiệp hội DNNVV được đề xuất giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp, nâng cao vai trò phản biện, kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Với cách tiếp cận thực tế, cụ thể, Chỉ thị 10/CT-TTg hướng tới tháo gỡ những nút thắt lớn nhất của kinh tế tư nhân hiện nay. Đây có thể coi là một "cú hích" cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Chỉ thị đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới. Để đạt được mục tiêu này, theo ông cần có những giải pháp nào trong việc hỗ trợ, tạo động lực để các doanh nghiệp mới ra đời?

Ông Nguyễn Văn Thân: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, thì "hành trang" cho doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở định hướng chính sách, mà phải là hệ thống giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để dẫn dắt lực lượng kế cận, đặc biệt là khối DNNVV phát triển một cách bền vững. Để đạt được mục tiêu phát triển thêm 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, tôi có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường liên kết giữa DNNVV và các dự án trọng điểm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần sớm ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước, khi tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt, đường bộ cao tốc, cảng hàng không... phải dành tối thiểu 30% giá trị đơn hàng cho DNNVV trong nước. Đồng thời, cần xây dựng chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa, trong đó mức nội địa hóa tối thiểu là 30% và được hưởng ưu đãi tăng dần theo tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, cần "tháo gỡ" vướng mắc về tiếp cận vốn, một trong những điểm nghẽn lớn nhất với DNNVV hiện nay. Chỉ khoảng 30–35% doanh nghiệp trong khối này có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. Trong khi đó, hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai dù đã có nhưng vẫn "nhỏ giọt" và thiếu cơ chế bảo lãnh rủi ro. Vì thế chúng ta cần có cơ chế rõ ràng và mạnh mẽ hơn để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay này, đi kèm với vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp DNNVV không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy đầu tư sản xuất.

Thứ ba, cần có các giải pháp về cải cách thể chế. Cần giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ (đặc biệt là hải quan, chi phí không chính thức), đồng thời rà soát và bãi bỏ tối thiểu 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đây là những rào cản vô hình nhưng đang "giam giữ" rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp và làm chùn bước các doanh nghiệp trẻ.

Cuối cùng, để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, chúng tôi kiến nghị giao KPI phát triển DNNVV cho từng địa phương. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong việc giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền về tiến độ thực hiện chỉ tiêu này.

Về phía các doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì cho các DNNVV để tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ của Chính phủ?

Ông Nguyễn Văn Thân: Tôi cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể tận dụng hiệu quả chính sách.

Trước hết, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản trị và sản xuất – kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không đổi mới, không nâng cao năng suất và tính minh bạch, doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng lớn cũng như tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ cần chủ động tìm hiểu chính sách, đặc biệt là về tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động nắm bắt thông tin, không tham gia các chương trình tập huấn hay không có kế hoạch kinh doanh bài bản thì rất khó hưởng lợi thực sự từ các chính sách này.

Một yếu tố quan trọng khác là doanh nghiệp nhỏ cần tích cực liên kết với các doanh nghiệp lớn, tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cần tận dụng hệ sinh thái kinh doanh, hợp tác để cùng phát triển. Chính phủ đã tạo ra cú hích về chính sách, nhưng để biến nó thành cơ hội thực sự, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, sẵn sàng đổi mới, nâng cao năng lực và hướng đến sự phát triển bền vững. Nếu làm tốt, tôi tin rằng mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 không chỉ đạt được, mà chất lượng doanh nghiệp cũng sẽ nâng lên rõ rệt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ngô Thanh Huyền


Nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-thi-so-10-ct-ttg-dong-luc-moi-cho-khoi-dn-nho-va-vua-102250404212047669.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm toàn cảnh TPHCM từ trên cao
Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa
Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm