Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Chìa khóa” để “hạ nhiệt” giá nhà ở

Đảm bảo chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, công nhân lao động, cán bộ, công chức trẻ không chỉ là an sinh xã hội, mà còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Những năm qua, Trung ương đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ, cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân. Trong đó, điển hình là Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 11-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH giai đoạn 2021-2030 dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai08/07/2025

Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai (cũ) đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 10 ngàn căn và đến năm 2030 có ít nhất 50 ngàn NƠXH. Tỉnh Bình Phước (cũ) cũng ban hành đề án, quyết định với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phát triển NƠXH đáp ứng chỗ ở cho khoảng 44 ngàn người, đến năm 2030 đáp ứng chỗ ở cho khoảng 133 ngàn người. Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được triển khai như: quy hoạch quỹ đất, xúc tiến đầu tư, tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế, ban hành chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư… Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai (cũ) mới chỉ hoàn thành khoảng 1,7 ngàn căn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sau khi sáp nhập tỉnh, hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Bình Phước (cũ) chuyển về trung tâm tỉnh làm việc và sinh sống khiến khoảng cách giữa cung - cầu nhà ở ngày càng bị nới rộng.

Khi nguồn cung NƠXH hạn chế, buộc những người có nhu cầu phải chuyển sang các loại hình nhà ở khác như: nhà trọ, nhà ở riêng lẻ, chung cư thương mại. Điều này khiến giá nhà tại các khu vực trung tâm tăng mạnh, gây thêm áp lực cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, để đáp ứng nhu cầu nhà ở trước mắt, tỉnh sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, đồng thời áp dụng quy định mới để chỉ định nhà đầu tư thực hiện một số dự án bằng nguồn vốn ngân sách. Song song đó là cải tạo, sửa chữa các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tận dụng công trình nhà nước đang quản lý để làm nhà ở công vụ cho cán bộ.

Về lâu dài, tỉnh xác định phát triển NƠXH không chỉ là lời giải cho bài toán an cư, mà còn là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án theo quy hoạch, tỉnh sẽ nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật…, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phát triển NƠXH. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ phát triển NƠXH theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, Đồng Nai sẽ vận dụng linh hoạt Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29-5-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển NƠXH nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập tỉnh. Một khi nguồn cung gia tăng, giá nhà ở sẽ dần “hạ nhiệt”. Đây cũng là giải pháp góp phần bình ổn thị trường bất động sản, tạo điều kiện để người có thu nhập thấp và trung bình có thể an cư, từ đó yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với tỉnh.

Hoàng Lộc

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/chia-khoa-de-ha-nhiet-gia-nha-o-357186a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm