1. Nguy cơ về hệ quả của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ
Tăng giá hàng hóa và dịch vụ: Chính sách thuế quan của Mỹ có nguy cơ làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ mà các gia đình TBN phải chi trả. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng lạm phát, với chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng lên 3% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.
Áp lực lên ngân sách gia đình: Các hộ gia đình TBN đã chi gần một nửa ngân sách cho nhà ở và thực phẩm. Đối với 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ chi tiêu cho nhà ở và thực phẩm tăng lên 63,5%. Cuộc chiến thương mại đã khiến giá cả các sản phẩm hàng ngày tăng cao, đặc biệt là năng lượng, thực phẩm và hàng nhập khẩu.
Tác động đến lạm phát: Theo Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, mức thuế 25% của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm châu Âu có thể làm giảm tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro tới 0,3% và làm tăng lạm phát trong ngắn hạn. Nếu châu Âu phản ứng bằng các biện pháp tương đương, mức tăng trưởng mất đi có thể tăng tới 0,5%.
Thực phẩm, năng lượng, giao thông vận tải và công nghệ: Các ngành này là những dự kiến chi tiêu nhiều nhất trong năm 2025. Giá thực phẩm ở TBN đã tăng mạnh do vấn đề cung ứng toàn cầu và giá hàng hóa tăng. Trong vận tải, giá cả cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng do các chính sách thuế quan và hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, các chính sách thuế quan của Mỹ có thể tác động đẩy giá dầu thô toàn cầu lên cao hơn nữa. Việc áp thuế quan thứ cấp đối với các quốc gia mua dầu từ Nga và Iran có thể tạo ra rủi ro tăng giá đáng kể cho thị trường.
Giá năng lượng và chuỗi cung ứng: Chi phí nhà ở (bao gồm điện và gas) tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá điện tăng mạnh trở lại sau đợt giảm vào năm 2024. Giá tăng cao đối với các thành phần năng lượng tái tạo có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng và kéo dài sự phụ thuộc của TBN vào khí đốt.
Công nghệ: Ngành công nghệ tiêu dùng - điện tử, đồ gia dụng, máy tính, điện thoại… là một trong những ngành toàn cầu hóa nhất và do đó dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thuế quan.
2. Phản ứng ban đầu của Chính phủ TBN
Phản ứng sau khi kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ được công bố (ngày 02/04/2025)
Lên án và chỉ trích: Thủ tướng Pedro Sánchez đã lên tiếng chỉ trích mức thuế quan của Mỹ, mô tả nó là “sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thế kỷ 19” và “một cuộc tấn công vào mọi người và mọi thứ.”
Kêu gọi hành động chung của EU: TBN kêu gọi EU hành động thống nhất để đối phó với thuế quan đơn phương của Mỹ. Trong đó, một số đề xuất bao gồm: Thành lập quỹ viện trợ của EU được tài trợ bằng nguồn thu từ thuế quan nhập khẩu của Mỹ để hỗ trợ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng; Yêu cầu Ủy ban châu Âu cho phép TBN linh hoạt hơn trong việc cung cấp viện trợ quy mô lớn đối với các ngành bị tác động; Bên cạnh đó, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, chính phủ đề nghị tăng cường hợp tác thương mại với các nước khác. Thủ tướng Sánchez thực hiện các chuyến thăm thương mại tới Việt Nam và Trung Quốc nhằm mở rộng mối quan hệ kinh tế và tìm kiếm các thị trường mới, hướng tới đa dạng hóa các đối tác thương mại.
Phản ứng trong nước – Gói viện trợ quy mô lớn: Ngay sau khi mức thuế quan có hiệu lực, chính phủ TBN đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ trong nước, bao gồm một gói cứu trợ trị giá 14,1 tỷ euro. Trong đó, 7,4 tỷ euro là nguồn tài trợ mới được huy động để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ việc làm, trong khi 6,7 tỷ euro còn lại được sử dụng từ các công cụ tài chính hiện có. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm: Cung cấp bảo lãnh tài chính và các gói vay mềm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Triển khai chương trình MOVES để kích thích ngành công nghiệp ô tô – một trong những lĩnh vực nhạy cảm với sự thay đổi của thuế quan, Hỗ trợ đầu tư, bảo hiểm tín dụng và các biện pháp nhằm giúp các công ty định vị lại sản xuất, hướng đến các thị trường mới.
Thúc đẩy đàm phán: Ủy ban Châu Âu đã đề xuất áp dụng mức thuế quan "0% đổi 0%" đối với hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ nhằm tránh bùng phát một cuộc thương chiến. EU ưu tiên đàm phán với Washington để tìm ra thỏa thuận có lợi, đồng thời vẫn chuẩn bị các biện pháp đối phó dự phòng nếu không đạt được thỏa thuận.
Thuế trả đũa: EU đề xuất áp dụng thuế trả đũa 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm đáp trả các mức thuế mà Tổng thống Trump áp lên thép và nhôm của EU. Danh sách hàng hóa bị thuế trả đũa rất đa dạng, bao gồm kim cương, trứng, chỉ nha khoa, xúc xích, gia cầm, hạnh nhân và đậu nành.
Phản ứng sau khi kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực (ngày 09/04/2025)
Kích hoạt Kế hoạch ứng phó và tái khởi động thương mại: Chính phủ TBN đã phê duyệt 7,72 tỷ euro đầu tiên của Kế hoạch ứng phó và tái khởi động thương mại để ứng phó với quyết định tăng thuế đối với các sản phẩm châu Âu lên 20% của Tổng thống Trump. Kế hoạch bao gồm 14,1 tỷ euro để giảm thiểu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại và "xây dựng lá chắn" để bảo vệ nền kinh tế TBN. Kế hoạch bao gồm các khoản vay ICO và thanh khoản ngay lập tức cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hiện đại hóa và đầu tư công nghiệp, định hướng lại sản xuất, và viện trợ trực tiếp cho quá trình quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giống như thời kỳ đại dịch, khoản viện trợ sẽ không phải là vô điều kiện. Các công ty được hưởng lợi phải duy trì việc làm và không được di dời.
Yêu cầu đảm bảo: Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại TBN Carlos Cuerpo đã yêu cầu đảm bảo rằng các biện pháp thuế quan của EU đối với Hoa Kỳ không ảnh hưởng đến các sản phẩm "không dễ thay thế" đối với các công ty châu Âu.
Hỗ trợ ở cấp độ châu Âu: TBN đề xuất một công cụ hỗ trợ ở cấp độ châu Âu cho các công ty và lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ dưới thời Mỹ đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có TBN. Tác động trực tiếp đối với GDP TBN có thể hạn chế do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp, nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến một số ngành kinh tế chủ chốt là không thể chủ quan. Phản ứng của chính phủ TBN thể hiện qua việc chỉ trích công khai các chính sách bảo hộ đơn phương của Mỹ, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế và kêu gọi hành động thống nhất của EU. Song song với đó, TBN còn mở rộng mối quan hệ thương mại với các đối tác ngoài Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp kinh tế đơn phương này. Phản ứng thận trọng nhưng mạnh mẽ của TBN cho thấy sự đoàn kết và khả năng ứng phó linh hoạt của các khối kinh tế như EU trở nên vô cùng quan trọng để bảo vệ nền kinh tế quốc gia và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/chinh-sach-thue-quan-moi-cua-hoa-ky-tom-tat-he-qua-va-phan-ung-ban-dau-cua-chinh-phu-tay-ban-nha.html
Bình luận (0)