Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chỗ ấm đời tôi

Tôi cất tiếng khóc chào đời trong nước mắt của cả gia đình tiễn mẹ tôi đi mãi sau khi sinh tôi. Khi tôi còn đỏ hỏn, bà nội đã vượt hàng ngàn cây số, ôm chiếc túi vải nhỏ lặn lội từ quê ra đón tôi về nuôi. Không có mẹ trong những năm tháng đầu đời, nhưng tôi may mắn có ông bà nội thay cha mẹ thương yêu suốt một đời.

Báo An GiangBáo An Giang25/07/2025

Ảnh minh họa: NGANG NGANG

Trong những năm tháng đầu tiên không có cha mẹ, ông bà nội là cả thế giới của tôi, là chỗ dựa bình yên để tôi lớn khôn. Tôi sinh ra yếu ớt, chỉ vỏn vẹn 1,8kg, da dẻ xanh xao, thoi thóp giữa căn bệnh sài quái ác. Hàng xóm nhìn tôi lắc đầu ái ngại, ai cũng nghĩ tôi chẳng thể qua nổi, nhưng nội thì không bỏ cuộc. Nội ôm chặt tôi vào lòng, đem tôi đi khắp nơi chạy chữa, bấu víu từng tia hy vọng mỏng manh nhất. Sữa mẹ không còn, sữa bột khi ấy lại hiếm. Có những hôm, nội phải ẵm tôi đi bộ hàng cây số, gõ cửa từng nhà có con nhỏ xin sữa cho tôi. Nhiều đêm, tôi khóc ngằn ngặt, nội thức trắng dỗ dành tôi bằng lời ru run run trong gió lạnh. Ròng rã những tháng ngày gian nan, nội bồng bế, chăm chút, kiên cường giữ lấy sinh mệnh nhỏ bé của tôi như giữ một ngọn lửa trong bão.

Với tôi, bà nội là người bà dịu dàng nhất thế gian. Mỗi buổi sáng đi chợ, bà luôn mua quà cho tôi, khi thì củ khoai nướng, khi là cái bánh chuối, khi cái bánh cam. Bà nội tôi giỏi văn chương. Bà giữ gìn kho tàng văn hóa dân gian bằng tình yêu và trí nhớ tuyệt vời của mình. Bà thuộc làu nhiều bài ca dao, tục ngữ đến những bài thơ. Lúc tôi còn nhỏ, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ bà thường đọc cho tôi nghe những vần thơ lục bát ngọt ngào. Bà còn kể tôi nghe nhiều câu chuyện cổ tích khi thì sự tích cây vú sữa, lúc lại là chuyện Thạch Sanh đánh chằn tinh hay nàng Tấm dịu dàng. Giọng bà nhẹ nhàng, ấm áp, mỗi lời kể như thấm vào lòng tôi, gieo mầm tình yêu văn chương trong tôi. Nhưng hơn cả, bà dạy tôi thương người như cách bà sống. Tôi nhớ một lần nhà tôi có đám giỗ, tôi đã ăn xong, bà vẫn chừa lại vài món tôi thích. Tôi vừa định cất đồ ăn thì một bà cụ gầy gò ghé nhà tôi xin ăn. Bà nội nhìn tôi khẽ nói:

- Đây là chị gái bà, con cho bà ấy ăn phần này nhé?

Tôi đưa phần ăn cho bà ăn xin không do dự. Nhiều năm sau, khi chị gái thật của nội từ xa về thăm, tôi hỏi bà có nhớ chuyện ngày xưa tôi cho bà ăn cơm không. Bà ngạc nhiên nhìn tôi không hiểu và hỏi lại nội, lúc đó tôi mới biết nội tôi đã nói dối, nhưng là một lời nói dối đẹp đẽ, gieo vào tôi hạt giống đầu tiên của lòng nhân ái.

Tôi lớn lên trong vòng tay che chở của ông bà, trong căn nhà đơn sơ nhưng luôn tràn ngập yêu thương. Mỗi mùa đông về, bà trải lá chuối khô xuống giường nằm thử, thấy vừa đủ ấm mới gọi tôi vào ngủ, còn bà thì ra hiên xắt rau cho heo giữa gió lạnh buốt da. Ngày tôi còn nhỏ, chưa có điện như bây giờ, mỗi mùa hè oi bức, bà thường ngồi bên cạnh quạt cho tôi ngủ. Chiếc quạt mo giản dị đung đưa theo nhịp tay bà gầy guộc mang theo cả gió mát và tình thương của bà dành cho tôi.

Ông nội tôi là thầy giáo, cũng là người thầy đầu tiên trong đời cầm tay dạy tôi tập viết những nét chữ đầu tiên. Căn phòng nhỏ của ông đầy ắp sách, thoảng mùi giấy cũ khi gió thổi qua khung cửa sổ mỗi chiều hè. Ông có thói quen hút thuốc nhưng không bao giờ hút trong nhà. Mỗi lần muốn rít một hơi, ông lại ra ngoài ngõ, đứng lặng trong ánh chiều loang loáng để làn khói không tổn hại đến bà và tôi. Ông thích xem thời sự, nhưng khi tôi học bài, ông luôn vặn âm lượng nhỏ hết mức chỉ đủ để ông nghe mà không ảnh hưởng tôi. Tôi lớn lên trong tiếng ti vi rì rầm nơi phòng khách và trong sự tôn trọng nhẹ nhàng ông dành cho tôi. Ông còn là người uyên bác, hiểu biết sâu rộng, từ toán học, lịch sử, địa lý đến những câu hỏi ngây ngô của tôi khi nhỏ, ông đều kiên nhẫn giải thích bằng lời lẽ giản dị mà dễ hiểu. Tuổi thơ tôi vì thế luôn thú vị, tràn đầy khám phá.

Năm tôi học lớp 8, ông bà chuyển vào Đà Lạt sinh sống, còn tôi theo cha xuống Kiên Giang. Rồi tôi vào đại học, mỗi dịp hè, tôi lại về Đà Lạt ở với nội nửa tháng. Dù xe đến nhà lúc ba giờ sáng, nội vẫn bật đèn ngồi chờ tôi trong nhà. Tối đến, dù tôi đi chơi muộn, ông bà vẫn chờ tôi về mới ngủ. Nội vẫn có thói quen giăng sẵn mùng cho tôi như lúc tôi còn nhỏ. Mỗi lần tôi rời Đà Lạt về Kiên Giang, nội lại đứng ở cổng, dõi theo đến khi bóng tôi khuất hẳn sau con dốc quen.

Tình thương của ông bà không ồn ào nhưng luôn đủ đầy, ấm áp như ngọn lửa giữa mùa đông. Giờ đây, mỗi lần thấy sách cũ, tôi lại nhớ ông. Mỗi khi thấy bóng người già trên phố, tôi lại thấy dáng bà nhỏ nhắn, lưng còng, tay xách chiếc giỏ đi chợ sớm. Ông bà đã nuôi tôi lớn bằng tất cả sự hy sinh lặng lẽ và tình yêu vô điều kiện.

Trưởng thành, có thể sống độc lập, mạnh mẽ, tôi luôn nhắc mình sống tử tế như cách ông bà đã sống. Với tôi, ông bà nội là cha mẹ, là mái ấm thiêng liêng, là chỗ dựa bình yên. Và, ngôi nhà nhỏ năm xưa, nơi có lá chuối trải giường những đêm đông, có khói thuốc lặng lẽ bay ngoài ngõ, có bóng ông đọc sách giữa trưa hè yên ắng mãi mãi là chỗ ấm của đời tôi.

HƯƠNG GIANG

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cho-am-doi-toi-a424941.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm