Theo đó, sau khi nhận được Tờ trình số 4093/TTr-UBND của UBND thành phố Huế về việc đề nghị thẩm định Dự án tu bổ di tích tuyến đường làng, bến nước và không gian cảnh quan ven sông Làng cổ Phước Tích, Bộ VHTTDL đã tiến hành thẩm định và thống nhất thỏa thuận Dự án tu bổ di tích tuyến đường làng, bến nước và không gian cảnh quan ven sông Làng cổ Phước Tích
Toàn cảnh Làng cổ Phước Tích
Trong đó, các nội dung được kiến nghị gồm: Tu bổ, tôn tạo tuyến đường làng (giao thông, hệ thống thoát nước mưa, điện chiếu sáng, trang trí dọc tuyến, cấp nước cây xanh); không gian đón tiếp kết hợp bãi đỗ xe; vườn tiếp đón; cầu cổng lò gốm Phước Tích; không gian vườn ước nguyện gắn với bến Hội; không gian bến Gốm - điểm dịch vụ ngoài trời; vườn gốm hoa gắn với bến cây Bàng; không gian sinh hoạt cộng đồng - vườn diễn xướng dân gian gắn với bến Đình; không gian trải nghiệm làng nghề; không gian cảnh quan - sinh hoạt cộng đồng và lễ hội ngoài trời; tu bổ, cải tạo 12 bến nước.
Cụ thể, Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý việc tu bổ, tôn tạo tuyến đường làng, cầu cổng lò gốm Phước Tích và các không gian công cộng: Hồ sơ Dự án cần được rà soát, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch di tích Làng cổ Phước Tích.
Đối với việc tu bổ, cải tạo 12 bến nước, Bộ VHTTDL đề nghị cần vệ sinh khoa học, bảo quản, tu bổ các thành lan can, trụ, con giống hiện có trên đỉnh trụ, giữ lại các viên gạch gốm có ghi tên bến và năm. Tránh bê tông hóa, ưu tiên tận dụng địa thế tự nhiên, kết hợp thảm cỏ, cây xanh. Nền, bậc cấp, mặt dựng bậc cần sử dụng gạch gốm vuông, chữ nhật để lát gạch theo mạch vuông góc, không lát theo hình thức khảm gốm Mosaic (như điểm các hình quả trám tại bến Cạn, bến Cây Thị; hay tạo hình gốm vỡ như bến Lò, bến Miếu Vua...).
Việc nghiên cứu thiết kế mẫu đèn chiếu sáng, nhất là tại các khu vực công cộng, bãi đỗ xe và đường đi cần mang đặc trưng Làng cổ Phước Tích, hạn chế sử dụng đèn đúc sẵn có thể gây tương phản với không gian, cảnh quan làng cổ.
Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh, tôn tạo cảnh quan cần nghiên cứu, sử dụng các loại cây thường được trồng ở địa phương, phù hợp với Quy hoạch di tích Làng cổ Phước Tích (không sử dụng cây xuất xứ nước ngoài như Nhài Nhật...).
Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Dự án trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/cho-y-kien-voi-du-an-tu-bo-di-tich-lang-co-phuoc-tich-20250520142746867.htm
Bình luận (0)