Theo báo cáo của CDC Quảng Ninh, trong 3 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm có vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có sự gia tăng, như ho gà ghi nhận 9 ca dương tính, sởi ghi nhận 218 ca dương tính. Ngoài ra, cả tỉnh ghi nhận 39 ca tay chân miệng, 31 ca sốt xuất huyết, 2 ca Covid-19, số ca bệnh đều giảm so với cùng kỳ năm 2024...
Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan với việc tiêm phòng bệnh cho trẻ, cho rằng nếu trẻ đã từng mắc bệnh thì không cần tiêm phòng, trì hoãn việc tiêm, khiến trẻ dễ bị tái nhiễm, hoặc mắc các bệnh khác. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cũng khá phổ biến. Khi trẻ có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh, nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc, đặc biệt là kháng sinh mà không theo chỉ định của bác sĩ, dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Bên cạnh đó, việc không chú ý vệ sinh tay cho trẻ cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với đồ vật và môi trường xung quanh, nếu không được rửa tay đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ tăng cao.
Chị Lý Thị Quy (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Tôi có 2 con trai, năm nào cũng vậy, cứ trời nóng là các cháu dễ bị sốt, ho, có khi còn nổi mẩn ngứa. Tôi được bác sĩ tuyên truyền rằng mùa hè trẻ con dễ bị bệnh do thời tiết thay đổi, thức ăn dễ ôi thiu, muỗi cũng nhiều hơn... Những lần tôi đưa con đến Trạm Y tế xã khám bệnh, các bác sĩ đều căn dặn phải giữ vệ sinh sạch sẽ, cho cháu ăn uống đủ chất.
Thời gian cao điểm du lịch hè 2025 đang đến gần, kéo theo nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm lây lan. Nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh những bệnh thường gặp trong mùa hè, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh, khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp quan trọng như: Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh về rối loạn tiêu hóa, truyền nhiễm đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy cấp, lỵ, thương hàn... Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không để nước tù đọng để phòng chống muỗi sinh sản. Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, lau rửa bề mặt, đồ dùng, vật dụng học tập, đồ chơi có thể phơi nhiễm với các mầm bệnh gây bệnh truyền nhiễm, nhất là trong trường học...
Các bác sĩ cũng khuyến cáo việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hữu hiệu nhất để tạo miễn dịch chủ động giúp ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin từ rau xanh và hoa quả. Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà.
Chủ động phòng tránh bệnh trong mùa hè không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chu-dong-phong-tranh-benh-mua-he-3352241.html
Bình luận (0)