Nằm tại bản Chu Va 12, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đỉnh Chu Va được các trekker (người đi bộ đường dài) khám phá chỉ cách đây vài năm. Với độ cao khoảng 2.751m so với mực nước biển, Chu Va là điểm đến yêu thích của dân mê trekking bởi vẻ đẹp hoang sơ, mây trời bồng bềnh và những thử thách chinh phục đầy hấp dẫn.
Đặc biệt, khu vực quanh đỉnh Chu Va còn có thảm thực vật đa dạng, rừng nguyên sinh, nhiều loài hoa nở rộ theo mùa, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.
Mới đây, anh Nguyễn Đức Hùng (du khách Hà Nội) đã chia sẻ hành trình chinh phục đỉnh Chu Va của mình.

Cung leo Chu Va dốc, có nhiều đoạn gần như dựng đứng.
Ba đỉnh trong một hành trình
Theo anh Hùng, cung leo Chu Va thực chất gồm ba đỉnh gần nhau: Miêu Thạch Sơn, Chu Va, và Can Chua Thìa Sảng. Việc chinh phục cả ba đỉnh trong 2-3 ngày (tùy vào thể lực nhóm) là một thử thách lớn về sức bền và thể lực, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cung này toàn dốc và dốc, có nhiều đoạn gần như dựng đứng. Nếu cung leo Pờ Ma Lung, Nam Kang hay Pusilung có các con "dốc Ba Giờ" (leo mất 3 tiếng với người dân địa phương), thì Chu Va có "dốc Năm Giờ". Rất nhiều đoạn phải đu dây lên xuống vì địa hình đá trơn, không có chỗ đặt chân - một trở ngại lớn, đặc biệt với chị em phụ nữ do sức tay thường yếu hơn.
Đỉnh Miêu Thạch Sơn đòi hỏi người leo núi phải men theo vách đá cheo leo, nơi bên dưới là vực thẳm sâu không thấy đáy. Từ Chu Va sang Can Chua, người leo phải vượt qua sống lưng khủng long hẹp, nơi có những đoạn đường chỉ rộng bằng 1-2 bàn chân, hai bên đều là vực sâu.
"Không giống như Tà Xùa, sống lưng tại Chu Va dài hơn, nguy hiểm hơn, hoàn toàn không có dây bám. Gió mạnh cùng độ dốc cao buộc người leo phải tập trung từng bước, thậm chí bò bằng cả tay, chân ở những đoạn nguy hiểm nhất", anh Hùng nói.


Để chinh phục đỉnh Chu Va đoàn leo núi phải trải qua những cung đường dốc, hiểm trở.
Bù lại sự hiểm trở, khung cảnh hùng vĩ hai bên sống lưng khủng long đem lại cảm xúc khó quên. Cả ba đỉnh đều thoáng, với tầm nhìn 360 độ đẹp đến choáng ngợp. Từ các đỉnh có thể quan sát rõ những đỉnh núi xa hơn như Fansipan hay Ngũ Chỉ Sơn.
Dù không phải là thiên đường của biển mây, nếu may mắn, bạn vẫn có thể bắt gặp những cảnh sắc tuyệt đẹp trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Rừng đỗ quyên tại đây cũng rất nổi bật, nhưng năm nay lại mất mùa, khiến hoa nở không được rực rỡ như mọi năm.
Anh Hùng chia sẻ, cung leo Chu Va gặp một hạn chế lớn là thiếu nước. Mùa này thác khô, suối chỉ xuất hiện ở khu vực thấp, nhưng sau khoảng 2 tiếng leo dọc suối cạn, nước trở nên rất hiếm.
Điều này đòi hỏi người leo núi phải có kế hoạch mang nước dự trữ đầy đủ cho ngày đầu, dùng nước đun được lấy từ khe suối dẫn đến khu lán nghỉ cho những ngày sau.

Khu vực lán trại nghỉ ngơi của đoàn leo núi khi chinh phục đỉnh Chu Va.
Chuẩn bị gì để chinh phục Chu Va?
Hiện nay, người dân địa phương đã dựng các khu lán nghỉ tại khu vực hang đá gần đỉnh Miêu Thạch Sơn và đỉnh Chu Va để phục vụ du khách. Lán nghỉ trong hang đá có thể chứa khoảng 15-20 người, trong khi hai lán gần đỉnh Chu Va có sức chứa lên đến khoảng 40 người, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của các đoàn leo núi đông người.
Goong Kéng, một porter (người hướng dẫn leo núi) người địa phương cho biết, cung leo khó nên hiện còn ít người leo vì vậy các lán chưa bị quá tải vào những ngày cuối tuần như những lán khác.
Các cầu thang gỗ, dây đu cũng được các chủ lán và người dân địa phương lắp đặt để hỗ trợ người leo núi vượt qua những đoạn hiểm trở và không có điểm bám hoặc đặt chân.
Theo anh Hùng, cung Chu Va chỉ nên chinh phục sau khi đã làm quen với những cung leo khó như Nam Kang hay Pusilung.
"An toàn là yếu tố hàng đầu. Bạn nên thuê nhiều porter hơn các cung khác để họ mang vác đồ giúp bạn. Ngoài ra, chúng tôi luôn tính toán để cả đoàn về lán nghỉ trước khi trời tối và chỉ xuất phát khi trời sáng", anh Hùng chia sẻ.

Đoàn anh Hùng chụp ảnh tại cột mốc Miêu Thạch Sơn ở độ cao 2735m.
Anh Mạnh Chiến, quản trị viên diễn đàn Hội đam mê leo núi với hơn 150.000 thành viên, cung Chu Va đòi hỏi thể lực, kỹ thuật tốt, tâm lý vững vàng. Anh nhấn mạnh rằng tuyệt đối không leo trong trời mưa vì địa hình quá nguy hiểm.
Thời gian lý tưởng để chinh phục Chu Va là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, khi thời tiết khô ráo và khí hậu mát mẻ. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 không phù hợp vì nắng nóng dễ gây mất nhiệt, mưa rừng bất chợt tạo điều kiện trơn trượt, và rắn rết thường xuyên xuất hiện sau kỳ ngủ đông.
Đối với những người leo núi lão luyện, đừng bỏ qua cơ hội chinh phục Can Chua trước khi mùa leo núi đầu tiên trong năm khép lại vào cuối tháng 4. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ suốt đời, cả về thể chất lẫn tinh thần!
Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/chu-va-cung-leo-dep-nhu-mo-o-viet-nam-nhung-thach-thuc-du-khach-20250409094516719.htm
Bình luận (0)