Mở phiên giao dịch sáng 8/7, các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt phủ sắc xanh, bất chấp tâm lý thận trọng bao trùm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ 14 quốc gia, trong đó có nhiều đối tác lớn tại châu Á.
Theo thống kê của Reuters, trong ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư thông báo thuế cho lãnh đạo của 14 nước gồm: Tunisia (25%), Indonesia (32%), Bosnia (30%), Bangladesh (35%), Serbia (35%), Campuchia (36%), Thái Lan (36%), Nhật Bản (25%), Hàn Quốc (25%), Malaysia (25%), Kazakhstan (25%), Nam Phi (30%), Lào (40%), Myanmar (40%).
Trong những ngày tới, Nhà Trắng dự kiến gửi thêm thư tới các quốc gia khác.

Các chỉ số chứng khoán châu Á (Nguồn: CNBC).
Một số nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nằm trong danh sách bị tăng thuế, gồm Indonesia với mức thuế tiêu thụ đặc biệt 32%, Bangladesh 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan cùng bị áp mức 36%. Đáng chú ý, hàng hóa nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ phải đối mặt với mức thuế cao nhất lên tới 40%.
Mặc dù vậy, thị trường khu vực vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực đỡ từ tâm lý kỳ vọng rằng các biện pháp thuế quan này có thể không kéo dài. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,18%, trong khi Topix gần như đi ngang. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,01%, còn chỉ số Kosdaq ít biến động.
Tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 tăng 0,2%, và Hang Seng tại Hong Kong nhích nhẹ 0,18%. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 tại Úc gần như đi ngang trong bối cảnh thị trường chờ đợi quyết định chính sách từ Ngân hàng Trung ương Australia, dự kiến cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) xuống còn 3,6%.
Trái ngược với diễn biến tích cực tại châu Á, chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan mới, khiến cả ba chỉ số chính trên Phố Wall ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 6.
Chỉ số Dow Jones mất 422,17 điểm, tương đương 0,94%, xuống còn 44.406,36 điểm. S&P 500 giảm 0,79% còn 6.229,98 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,92% và đóng cửa tại 20.412,52 điểm.
Thị trường Mỹ còn chịu áp lực từ tuyên bố mới của CEO Tesla, Elon Musk, về việc thành lập một đảng chính trị mới mang tên “America Party”, làm gia tăng căng thẳng chính trị với ông Trump. Cổ phiếu Tesla theo đó lao dốc 6,8%, mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 5/6 và cũng là mức đóng cửa thấp nhất trong hơn một tháng qua.
Các chuyên gia phân tích cho rằng làn sóng áp thuế mới đang khiến nhà đầu tư dè chừng trở lại sau chuỗi phiên hưng phấn. Cả Nasdaq và S&P 500 đều đã liên tiếp lập đỉnh trong tuần trước, nhờ số liệu việc làm tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Emily Roland, đồng Giám đốc đầu tư tại Manulife John Hancock (Boston), thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ chính sách thuế trở lại tâm điểm, khiến tâm lý hưng phấn bị chùng xuống.
Giới đầu tư hiện theo dõi sát sao các động thái tiếp theo của ông Trump, người khẳng định sẽ thông báo thêm nhiều gói thuế mới vào ngày 9/7 và đe dọa áp mức thuế bổ sung 10% lên các quốc gia được cho là ủng hộ chính sách “chống Mỹ” của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Làn sóng thuế mới cũng làm dấy lên lo ngại lạm phát sẽ leo thang trở lại, gây khó khăn cho kế hoạch nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed, dự kiến công bố vào ngày 9/7 (theo giờ Mỹ), sẽ cung cấp thêm tín hiệu về định hướng lãi suất trong thời gian tới. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 7 hiện ở mức 95%, trong khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 vào khoảng 60%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn Mỹ đạt 16,5 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Số mã giảm giá trên sàn New York vượt trội số mã tăng theo tỷ lệ 3,44:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2,74:1.
Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, có đến 9 ngành giảm điểm, dẫn đầu là nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu và năng lượng. Ngược lại, các nhóm phòng thủ như tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu ghi nhận mức tăng nhẹ. Một điểm sáng hiếm hoi là cổ phiếu WNS Holdings, tăng mạnh 14,3% sau thông tin được tập đoàn Capgemini (Pháp) mua lại với giá 3,3 tỷ USD.
Chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump đang phủ bóng lên thị trường toàn cầu và tiếp tục là ẩn số lớn đối với nhà đầu tư trong những tuần tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chung-khoan-my-lao-doc-chau-a-tang-vot-sau-thu-ap-thue-moi-cua-ong-trump-20250708091709113.htm
Bình luận (0)