Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chứng khoán tuần 7/7 – 11/7: VN-Index tăng tích cực, đón chờ KQKD quý 2/2025

VN-Index hướng tới 1.400 điểm; Nhóm ngành chủ chốt cùng kỳ vọng vượt 1.660 điểm trong năm 2025; Lịch trả cổ tức; Top 10 thị phần môi giới HOSE quý 2/2025.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam07/07/2025

VN-Index hướng tới vùng 1.400 điểm

Tuầnvừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đón nhận thông tin ban đầu về đàm phán thuế quan Việt Nam - Hoa Kỳ với tâm lý tương đối tích cực.

Đóng cửa tuần giao dịch 30/6 - 4/7, chỉ số VN-Index đạt mức 1.386,97 điểm, tăng 15,53 điểm (tương đương 1,13%) so với cuối tuần trước đó.

Nổi bật tuần qua là nhóm cổ phiếu chứng khoán, tăng bật trở lại sau thời gian dài tích lũy, nối theo đó là nhóm bất động sản.

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, dệt may... lại là tâm điểm "không mấy vui" khi đảo chiều giảm trước thông tin ban đầu về thuế quan.

Độ rộng thị trường khá tích cực, duy trì luân chuyển phục hồi. Nổi bật ở các cổ phiếu nhóm ngành cảng biển, chứng khoán, nông nghiệp, công nghệ thông tin, bảo hiểm, ngân hàng... Trong khi chịu áp lực điều chỉnh ở nhóm dệt may, khu công nghiệp...

Thanh khoản khớp lệnh cao nhất 1 tháng trở lại đây và cao hơn 6,4% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản bình quân tuần trên sàn HSX đạt 948 triệu cổ phiếu (+13,84%), tương đương giá trị đạt 23.320 tỷ đồng (+8,96%).

Khối ngoại cũng trở thành "điểm sáng" khi có tuần mua ròng kỷ lục 2 năm trở lại đây với giá trị, đạt 5.167 tỷ đồng tuần qua. Tâm điểm mua ròng thuộc về SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) với 667 tỷ đồng, MWG (Thế giới Di động, HOSE) với 529 tỷ đồng và FPT (FPT, HOSE) với 515 tỷ đồng.

Top 10 thị phần môi giới HoSE quý II/2025

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa công bố thông tin về giá trị giao dịch môi giới của 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất quý 2/2025.

Dẫn đầu là VPS với 15,37% thị phần, giữ vững vị thế kể từ quý 1/2021. Tuy nhiên, con số này đã giảm 1,57 điểm phần trăm so với quý I/2025. Sau khi đạt đỉnh 20,29% vào quý 1/2024, VPS liên tục đánh rơi thị phần vào tay các đối thủ.

Top 10 Công ty chứng khoán thị phần môi giới lớn nhất quý 2/2025

Chứng khoán tuần 7/7 – 11/7: VN-Index tăng tích cực, đón chờ KQKD quý 2/2025- Ảnh 1.

Nguồn: HOSE

So với quý 1/2025, thứ hạng của 8 vị trí tiếp theo không có thay đổi. SSI tiếp tục xếp thứ hai với 10,85% (+0,92%). TCBS đứng thứ ba nhưng đã chững lại đà tăng trưởng, thị phần đạt 7,45% (-0,04%).

Vietcap và HSC giữ vững vị trí thứ tư và thứ năm, thị phần tăng khoảng 0,1% với quý I/2025. Đáng chú ý, VNDirect ghi nhận mức tăng mạnh lên 6,36% (+1,1%).

Đứng thứ bảy là MBS với 5,39%, tăng 0,2%. Trong khi đó, MAS và KIS dù giữ nguyên thứ hạng, nhưng thị phần lần lượt giảm về 3,5% và 3,13%. Ở vị trí thứ 10, VCBS đã đẩy FPTS ra khỏi bảng xếp hạng với thị phần đạt 2,91%.

VN-Index được kỳ vọng tăng lên 1.660 điểm với nhóm ngành chủ chốt

TTCK Việt Nam tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực, được kỳ vọng lập kỷ lục mới trong năm 2025. Đà tăng này diễn ra trong bối cảnh dòng tiền kéo mạnh nhóm trụ VN30 trước khi xoay vòng sang các nhóm chứng khoán, dầu khí, bán lẻ, khoáng sản và xuất khẩu.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index có thể tiến đến vùng 1.555 điểm trong kịch bản cơ sở.

Tại kịch bản tích cực, nếu các yếu tố vĩ mô và chính sách thuận lợi, bao gồm việc nâng hạng thị trường, chỉ số có thể bứt phá lên vùng 1.660 điểm.

Song song với đó, thanh khoản thị trường cũng được kỳ vọng bứt phá mạnh. Nếu VN-Index tiệm cận vùng 1.555 điểm, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể lên đến 26.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, động thái của khối ngoại cũng đang có nhiều tín hiệu khả quan tới thị trường. Cụ thể, khối ngoại đã có 3 phiên mua ròng liên tiếp, tổng cộng gần 3.400 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Đây được xem là tín hiệu tích cực khi nhà đầu tư ngoại trở lại sau giai đoạn dài bán ròng.

Vì vậy, VCBS nhận định việc FTSE có thể nâng hạng Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi trong quý III sẽ là cú hích lớn với dòng vốn quốc tế. Ước tính thị trường có thể thu hút từ 1,3–1,5 tỷ USD vốn ròng, trong đó riêng ETF mô phỏng chỉ số FTSE Emerging Markets đã có thể phân bổ khoảng 950 triệu USD vào Việt Nam, do tỷ trọng danh mục đạt gần 1%.

Trong thời gian này, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục ưu tiên cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành có khả năng hưởng lợi từ cải cách chính sách. Cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ hấp dẫn trở lại nếu lợi nhuận cải thiện và dòng tiền lan tỏa mạnh hơn.

Các nhóm ngành có thể xem xét:

Ngân hàng, bất động sản: Hưởng lợi từ lãi suất thấp, nhu cầu nhà ở ổn định và gỡ vướng pháp lý.

Chứng khoán: Kỳ vọng khởi sắc toàn diện ở cả môi giới, margin, ngân hàng đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động IPO có dấu hiệu phục hồi.

Tiêu dùng – thực phẩm: Hồi phục cùng với sức mua, nhóm chăn nuôi hưởng lợi từ giá heo hơi cao.

Điện – năng lượng: Sản lượng dự báo tăng 6% so với cùng kỳ; thêm động lực từ Quy hoạch Điện VIII và xác suất 40% La Nina quay lại.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Trần Nam Quang Trung, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá, thị trường đã có một tuần giao dịch đầy ấn tượng với việc chỉ số liên tục chinh phục các cột mốc mới trong năm nay.

Xét về dữ liệu giao dịch, dù có những rung lắc nhẹ trong phiên ngày thứ 5 khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng sơ bộ đối với Việt Nam, tuy nhiên sau đó với dòng tiền đang mạnh cùng với việc khối ngoại đẩy mạnh lại mua ròng rất mạnh đã giúp cho thị trường tiếp tục đà tăng.

Trong tuần tới, thị trường sẽ bắt đầu đón nhận thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh (KQKD) quý 2/2025 của các doanh nghiệp. Điều này được dự báo là động lực tiếp theo đối với thị trường trong thời gian tới khi nhiều nhóm ngành sẽ có KQKD tích cực trong nửa đầu năm, đặc biệt ở các ngành lớn như Ngân hàng, Bất động sản hay Bán lẻ tiêu dùng.

Chứng khoán tuần 7/7 – 11/7: VN-Index tăng tích cực, đón chờ KQKD quý 2/2025- Ảnh 2.

VN-Index được kỳ vọng tiếp tục chinh phục các mốc cao mới trong năm nay

Ở một khía cạnh khác, các hoạt động trên thị trường mở vào cuối tuần qua có những sự hút ròng nhẹ sau khi tuần trước được Ngân hàng nhà nước bơm khá mạnh để bù đắp thanh khoản cho cuối quý. Nếu các hoạt động hút ròng diễn ra mạnh hơn trong tuần tới, áp lực từ các yếu tố vĩ mô như tỷ giá cùng với những thông tin nhạy cảm như dư nợ margin của toàn thị trường hoặc kết quả kinh doanh không đáp ứng kì vọng, thị trường sẽ có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Nhìn chung, thị trường đã tăng khá mạnh gần 300 điểm từ giai đoạn đầu tháng 4, dù có một vài sự kiện cần lưu ý nhưng VN-Index dự kiến vẫn sẽ tiếp tục chinh phục các mốc cao mới trong năm nay với các tín hiệu từ dòng tiền tích cực, dòng vốn ngoại đang quay lại mua ròng mạnh mẽ và những thông tin khả quan đối với kết quả kinh doanh quý 2/2025.

Chứng khoán Asean nhận định, chỉ số thị trường sẽ kiểm định vùng kháng cự 1.390 - 1.400 điểm. Mặc dù vậy, độ biến động cũng sẽ tăng dần trong bối cảnh các chỉ báo động lượng đang vận động trong vùng quá mua hoặc tiệm cận vùng quá mua.

NĐT ngắn hạn nên ưu tiên nắm giữ vị thế hiện tại, đặc biệt với các cổ phiếu đang vận động trong xu hướng tăng và có câu chuyện hỗ trợ (ví dụ KQKD quý 2/2025 được dự báo tích cực), đồng thời thuộc lĩnh vực ít chịu tác động của thuế quan; việc mua mới chỉ nên cân nhắc tại các nhịp điều chỉnh tiếp theo của thị trường và cổ phiếu tiềm năng.

Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, trạng thái thị trường có thể tiếp tục giằng co trong biên hẹp để tích lũy thêm, với mục tiêu bứt phá mốc 1.400 điểm. Khi vượt ngưỡng này, chỉ số có thể mở ra khung dao động hướng tới vùng 1.450 điểm. Chiến lược chung là tăng tỷ trọng cổ phiếu, có thể tận dụng các tín hiệu điều chỉnh hoặc rung lắc trong những phiên tới. Các nhóm ngành ưu tiên chú ý gồm: Ngân hàng, Công nghệ, Bất động sản, Bán lẻ và Chứng khoán.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 19 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 7/7 – 11/7, trong đó, 14 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu, 3 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm.

Tỷ lệ cao nhất là 100%, thấp nhất là 2%.

1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:

CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/7, tỷ lệ 10%.

3 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu:

CTCP Tập đoàn Vinacontrol (VNC, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/7, tỷ lệ 100%.

CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/7, tỷ lệ 30%.

Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/7, tỷ lệ 25%.

1 doanh nghiệp phát hành thêm:

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB, HNX), ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/7, tỷ lệ 10%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Sàn Ngày GDKHQ Ngày TH Tỷ lệ
TAL UPCOM 7/7 30/7 15%
MCH UPCOM 7/7 16/7 25%
S55 HNX 7/7 31/7 10%
DXP HNX 7/7 22/7 5%
CQT UPCOM 7/7 1/8 3,3%
MA1 UPCOM 7/7 21/7 15%
SGH HNX 8/7 21/7 7%
GMD HOSE 9/7 17/7 20%
ADP HOSE 9/7 6/8 7%
VNC HNX 9/7 1/8 2%
HEP UPCOM 10/7 28/7 12%
TUG UPCOM 10/7 22/7 6%
EMG UPCOM 10/7 21/7 15%
VRG UPCOM 10/7 24/7 35%
PJT HOSE 10/7 25/7 6%


Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-7-7-11-7-vn-index-tang-tich-cuc-don-cho-kqkd-quy-2-2025-20250707084843843.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm