Hàng loạt tên tuổi lớn của giới công nghệ Mỹ, bao gồm CEO Microsoft Satya Nadella, CEO Google Sundar Pichai, CEO Uber Dara Khosrowshahi, đã ký tên dưới bức thư ngỏ đăng trên tờ New York Times. Lá thư lập luận cần đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học máy tính để “duy trì cạnh tranh cho nước Mỹ”.
“Các nước như Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đã biến khoa học máy tính hoặc AI thành môn học bắt buộc cho mọi học sinh. Mỹ đang bị bỏ lại phía sau. Trong kỷ nguyên AI, chúng ta phải chuẩn bị cho con trẻ trở thành những người sáng tạo AI, không chỉ là người tiêu thụ”.
Với một nền kinh tế do AI dẫn dắt, các khóa học AI và khoa học máy tính là cách nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kỹ năng và tiền lương, giúp Mỹ dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ.

Thư dẫn báo cáo của Viện Brookings cho thấy, những học sinh học khoa học máy tính tại trung học sau này có mức lương cao hơn 8% so với những học sinh khác, bất kể làm nghề gì hay học đại học nào. Trrong đó, phụ nữ và người thu nhập thấp chứng kiến tác động lớn nhất.
Những thay đổi đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Trong 10 năm qua, 50 bang của Mỹ đều đã có những bước tiến về phía trước và 100.000 giáo viên bắt đầu giảng dạy khoa học máy tính.
Hiện nay, 12 bang yêu cầu học sinh học khoa học máy tính cơ bản và là một điều kiện để tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng theo các CEO, điều này vẫn chưa đủ. “Chúng ta có trách nhiệm chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo với giấc mơ Mỹ mới. Chúng ta nợ họ một nền giáo dục phản ánh nhu cầu của thời đại”.
“Chúng ta phải biến khoa học máy tính và AI trở thành một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy tại mọi trường học”, thư viết. “Chúng ta phải bảo đảm con cái chúng ta được chuẩn bị cho những thách thức và cơ hội của ngày mai”.
Trước đó, ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy đào tạo AI và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Sắc lệnh “Thúc đẩy đào tạo AI cho thanh niên Mỹ” nhằm tạo ra khuôn khổ để mở rộng đào tạo AI trong chương trình học phổ thông, giáo dục bậc cao và phát triển nhân lực AI. Sắc lệnh vạch ra chiến lược đưa AI vào giáo dục, giúp người Mỹ tiếp cận với AI từ nhỏ. Trọng tâm của sáng kiến là hình thành quan hệ hợp tác công – tư, cung cấp nguồn lực để giảng dạy AI.
"Học và tiếp xúc sớm với các khái niệm AI không chỉ làm sáng tỏ công nghệ mạnh mẽ này mà còn khơi dậy sự tò mò và sáng tạo, chuẩn bị cho học sinh trở thành những người tham gia tích cực và có trách nhiệm trong lực lượng lao động tương lai và nuôi dưỡng thế hệ các nhà đổi mới AI tiếp theo để đưa đất nước chúng ta lên một tầm cao mới về thành tựu khoa học và kinh tế", trích từ sắc lệnh.
Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống lần hai, ông Trump đã ban hành sắc lệnh khác “Loại bỏ rào cản đối với vị thế lãnh đạo của Mỹ trong AI”, nhằm tăng cường sự thống trị của nước này trong cuộc đua AI toàn cầu.
Tuần này, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất thông báo sẽ đưa AI vào chương trình giáo dục công lập ở tất cả các cấp, bao gồm cả mầm non, ngay trong năm học tới. Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho biết mục tiêu là giúp trẻ em hiểu biết sâu sắc về AI từ góc độ kỹ thuật, cũng như nâng cao nhận thức về khía cạnh đạo đức của công nghệ.
Trong bối cảnh một số nhà giáo dục và phụ huynh lo ngại những công cụ AI tạo sinh như ChatGPT có thể gia tăng gian lận, làm suy yếu tư duy phản biện và kỹ năng viết của học sinh, các lãnh đạo công nghệ hàng đầu lại tin rằng các môn học AI và khoa học máy tính sẽ giúp “xóa mù” AI cho giới trẻ và kêu gọi biến chúng thành một phần không thể thiếu trong giáo dục.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/chung-ta-phai-chuan-bi-cho-con-tre-trong-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-2398577.html
Bình luận (0)