Tuy nhiên, đôi khi chuột rút có thể do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, thường liên quan đến các vấn đề về hệ thần kinh, bao gồm não và tủy sống.
Đặc biệt, bệnh thận mạn tính (CKD) cũng có thể gây ra chuột rút, do sự thay đổi cân bằng dịch và điện giải của cơ thể, theo trang tin sức khỏe Health Digest.
Khi thận suy giảm chức năng, nồng độ kali và phốt pho trong máu có thể tăng cao, gây mất cân bằng điện giải - một yếu tố dẫn đến chuột rút và co giật cơ.
Bệnh thận mạn tính cũng có thể gây ra chuột rút
Ảnh minh họa: AI
Ảnh hưởng của CKD đến cơ và thần kinh
Khi bệnh thận tiến triển nặng, chất thải chuyển hóa tích tụ trong cơ thể có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ và hệ thần kinh. Hậu quả là các biểu hiện như co giật cơ, yếu cơ, đau cơ và chuột rút.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp cảm giác ngứa ran, mất cảm giác ở tay chân, hội chứng chân không yên, thậm chí là lú lẫn, co giật và hôn mê.
Những dấu hiệu thận yếu cần đặc biệt lưu ý
Theo tiến sĩ Joseph Vassalotti, Giám đốc y khoa tại Quỹ Thận quốc gia Mỹ, đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh thận cho đến giai đoạn muộn. Chỉ khoảng 10% người bệnh biết được tình trạng của mình.
Một số triệu chứng điển hình của CKD bao gồm:
- Mệt mỏi, yếu sức, khó ngủ.
- Da khô, ngứa.
- Đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm.
- Nước tiểu có máu.
- Sưng quanh mắt, bàn chân và mắt cá chân.
- Các triệu chứng về cơ như chuột rút hoặc co giật.
Đối tượng nguy cơ cao cần tầm soát sớm
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, hoặc đang sống chung với tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh tim nên đặc biệt lưu tâm đến các dấu hiệu trên. Phát hiện sớm sẽ hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn, giúp kiểm soát bệnh và ngăn biến chứng.
Biện pháp kiểm soát và phòng ngừa
Để làm chậm tiến trình của CKD, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Giảm lượng natri và ăn thực phẩm tốt cho tim mạch.
- Hạn chế protein, phốt pho và kali.
- Ngưng hút thuốc, hạn chế rượu.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục đều đặn.
- Tránh dùng thuốc giảm đau kháng viêm vì có thể làm tổn thương thận.
Cách để giảm nhẹ chuột rút cho người bệnh thận
Đối với tình trạng chuột rút hoặc co giật cơ, người bệnh có thể áp dụng:
- Kéo giãn nhẹ nhàng.
- Mát xa, tắm nước ấm.
- Uống đủ nước.
- Mang giày thoải mái, theo Health Digest.
Mặc dù bệnh thận mạn tính là một tình trạng phức tạp và tiến triển âm thầm, người bệnh hoàn toàn có thể sống lâu và khỏe mạnh nếu nhận diện sớm các dấu hiệu, trong đó có những biểu hiện ở cơ bắp. Việc thay đổi lối sống và chăm sóc y tế đúng cách là chìa khóa giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuot-rut-khong-duoc-xem-nhe-vi-co-the-la-dau-hieu-cua-suy-than-185250725200916427.htm
Bình luận (0)