Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ người yếu thế

TPHCM đặt mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện đến năm 2030 là một quyết tâm chính trị đáng ghi nhận, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Hà Nội cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện, với mức đề xuất từ 3-5 triệu đồng/xe.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng28/07/2025

Tuy nhiên, để hành trình xanh hóa giao thông thực sự thành công và nhận được sự đồng thuận xã hội, cần thẳng thắn nhìn nhận: chính sách hiện tại chưa đủ sức bao phủ đến nhóm yếu thế.

Chuyển đổi phương tiện xanh là xu hướng toàn cầu, nhưng nếu được triển khai thiếu công bằng, không khéo sẽ hình thành một “khoảng cách xanh” mới giữa những người có điều kiện và người yếu thế. Một chiếc xe máy điện phổ thông có giá từ 15-20 triệu đồng. Với mức hỗ trợ 3-5 triệu đồng/xe như Hà Nội đề xuất, người dân vẫn phải tự bỏ ra khoảng 10-17 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ đối với họ, nhất là người lao động phổ thông, chạy xe ôm công nghệ.

TPHCM hiện có khoảng 7,4 triệu xe máy đang lưu hành. Trong đó có hàng trăm ngàn phương tiện đã sử dụng trên 10 năm, tiêu tốn nhiên liệu lớn và phát thải ô nhiễm cao. Trong khuôn khổ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho phép TPHCM được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bền vững, thành phố hoàn toàn có thể xây dựng một chương trình thí điểm hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xanh gắn với an sinh xã hội, vừa là bước đi tiên phong, vừa là phép thử thể chế. Chuyển đổi xanh phương tiện không thể là một chiến dịch hành chính đơn thuần. Nó phải được đặt trong tư duy tích hợp đa mục tiêu: vừa giảm phát thải, vừa giảm nghèo, vừa thúc đẩy kinh tế xanh.

Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các thành phố lớn như Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan) là những đất nước chuyển đổi phương tiện xanh gắn liền với chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể: miễn phí hoàn toàn cho nhóm thu nhập thấp; cho vay không lãi suất với nhóm thu nhập trung bình kết hợp với thu hồi xe cũ để tái chế. Đặc biệt, các nước tiên tiến luôn phối hợp chặt chẽ giữa “chính quyền - doanh nghiệp sản xuất xe - ngân hàng - tổ chức bảo hiểm - và các tổ chức xã hội” để tạo ra chuỗi hỗ trợ đồng bộ. Từ bài học quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, có thể đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Một là, áp dụng mô hình “đổi 1 lấy 1” đối với hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn, gia đình chính sách khó khăn. Nhà nước thu mua lại xe xăng cũ và cấp miễn phí xe điện mới tương đương từ nguồn ngân sách thành phố, kết hợp với Quỹ Môi trường, Quỹ An sinh xã hội và sự tham gia của doanh nghiệp. Hai là, hỗ trợ bằng hiện vật chứ không chỉ bằng tiền. Hình thức “tặng xe” đi kèm với bảo hành 12 tháng, sạc điện miễn phí trong 6 tháng đầu, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng - là cách thể hiện tính nhân văn và hiệu quả cao hơn so với hình thức hỗ trợ một lần bằng tiền mặt. Ba là, thí điểm triển khai tại một số địa bàn trung tâm, hoặc những nơi có điều kiện kiểm soát lưu lượng và hạ tầng sạc điện thuận lợi. Bốn là, phát triển chính sách tài chính xanh: vay ưu đãi trả góp 0% lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người thu nhập trung bình. Năm là, tích hợp chuyển đổi phương tiện xanh vào các chính sách khác như hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giảm nghèo và phát triển nông thôn mới.

Mọi chính sách thành công đều cần yếu tố đồng hành thay vì áp đặt. Người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, chỉ có thể tin tưởng và tham gia nếu họ thấy chính sách gần gũi, thiết thực và có lợi thật sự. Nếu không, việc cấm xe xăng hay yêu cầu đổi xe sẽ vô tình biến thành một “cuộc di cư bất đắc dĩ” ra khỏi trung tâm đô thị của những người không đủ tiền để đổi phương tiện. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với chính quyền TPHCM hiện nay không chỉ là thúc đẩy xanh hóa, mà là xanh hóa có trách nhiệm, công bằng và nhân văn. Đó cũng là tinh thần chủ đạo của Nghị quyết 98 là không chạy theo mục tiêu tăng trưởng hoặc môi trường một cách đơn lẻ, mà phải hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và người dân. Một thành phố hiện đại, văn minh không chỉ đo bằng chỉ số môi trường, mà còn được phản chiếu qua cách mà xã hội nâng đỡ những người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chuyen-doi-xanh-phai-bat-dau-tu-nguoi-yeu-the-post805753.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm