Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện

NDO - Ngày 11/4 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phòng, chống Ung thư (Bệnh viện K) tổ chức hội thảo chuyên đề “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân11/04/2025


Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai và định hướng xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện cho Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng, chống Ung thư nhấn mạnh: Ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan. Nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần. Việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết.

Theo Globocan 2022, tại Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hùng Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức. Hiện tại có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn.

Với bệnh nhân giai đoạn sớm, điều trị tiêu chuẩn tại Việt Nam là phẫu thuật sau đó bổ trợ với điều trị đích hoặc miễn dịch. Vấn đề cốt lõi để cải thiện sống còn vẫn là sàng lọc phát hiện sớm (CT liều thấp).

Tuy nhiên cần có những chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm y tế để tăng khả năng tiếp cận liệu pháp mới và sàng lọc chẩn đoán sớm cho bệnh nhân ung thư phổi để kéo dài sự sống; đồng thời giảm giá thuốc để tăng khả năng tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới cho người bệnh.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện ảnh 1

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Pan-Chyr Yang đến từ Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu mô hình TALENT giúp phát hiện sớm tới 90% ca ung thư phổi giai đoạn 0-I ở nhóm người không hút thuốc, đồng thời thúc đẩy thay đổi chính sách y tế quốc gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Kim Yeol đến từ Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình sàng lọc quy mô toàn quốc, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu từ ghi nhận đến điều trị.


Về phía các chuyên gia trong nước, cũng đã cập nhật về những tiến bộ điều trị và hệ thống ghi nhận ung thư phổi tại Việt Nam, phục vụ cho việc hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: “Xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Thành công của chương trình đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và khai thác hiệu quả dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả sàng lọc và phát hiện sớm bệnh”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối dữ liệu giám sát bệnh không lây nhiễm với hệ thống ghi nhận ung thư, nhằm bảo đảm đồng bộ hóa thông tin, hỗ trợ đánh giá hiệu quả chương trình sàng lọc và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng, chống Ung thư chia sẻ về những thách thức trong triển khai sàng lọc ung thư phổi tại cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của người dân, khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc cũng như năng lực tổ chức thực hiện tại tuyến cơ sở, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông và phối hợp đa ngành để nâng cao hiệu quả sàng lọc trên diện rộng.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện ảnh 3

Chính thức khởi động nghiên cứu về Ghi nhận ung thư phổi tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Phòng, chống Ung thư chính thức công bố khởi động nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030” do Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Hương đồng chủ nhiệm, với sự tham gia của 8 bệnh viện trên cả nước, bao gồm: K, Phổi Trung ương, Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Ung bướu Hà Nội, Ung bướu Cần Thơ, Ung bướu Đà Nẵng, Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh).

Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi trong tương lai.

Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-gia-chia-se-kinh-nghiem-va-xay-dung-chuong-trinh-sang-loc-ung-thu-phoi-toan-dien-post871674.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm