Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia: Giá điện chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân

(Dân trí) - Việt Nam cần 368 tỷ USD cho mục tiêu Net Zero, song chuyên gia nhận định cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện thiếu hấp dẫn đang cản dòng vốn đầu tư xanh.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/07/2025

Tại Diễn đàn dầu khí và năng lượng thường niên với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và hành động” tổ chức sáng ngày 28/7, TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) dẫn Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB, 2023) cho biết Việt Nam cần huy động tới 368 tỷ USD để thực hiện mục tiêu Net Zero.

Ông nêu, so sánh quy mô này với tổng đầu tư công trung bình hàng năm của Việt Nam (khoảng 700.000-800.000 tỷ đồng, tương đương 28-32 tỷ USD), có thể thấy yêu cầu huy động tài chính cho chuyển dịch năng lượng vượt xa khả năng đáp ứng của nguồn vốn công truyền thống.

Một trong những rào cản lớn nhất trong việc huy động nguồn lực tài chính cho chuyển dịch năng lượng là cơ chế giá điện chưa thực sự phản ánh đúng chi phí đầu tư, mức độ rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của khu vực tư nhân.

"Hiện tại, cơ chế xác định giá trần trong đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo - bao gồm điện mặt trời, điện gió - chủ yếu dựa trên khung tính toán nội địa, chưa đầy đủ các yếu tố về rủi ro tài chính, chi phí vốn vay và chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá mà nhà đầu tư nước ngoài thường phải đối mặt", ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng hợp đồng mua bán điện (PPA) còn thiếu tính cam kết dài hạn, minh bạch và bảo lãnh tài chính từ Chính phủ hoặc bên thứ ba đáng tin cậy.

Theo ông Long, Việt Nam là một trong những quốc gia được kỳ vọng thu hút dòng vốn “xanh” lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, theo thống kê của Bloomberg NEF (2024), tổng giá trị trái phiếu xanh và khoản vay xanh cho ngành năng lượng Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4,6 tỷ USD) và Indonesia (3,2 tỷ USD).

Chuyên gia: Giá điện chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân - 1

Theo chuyên gia, Việt Nam còn thiếu chuẩn mực pháp lý đối với công cụ tài chính xanh và khung pháp lý riêng cho PPA trực tiếp (Ảnh: Petrotimes).

Nguyên nhân không nằm ở thiếu dự án, mà ở sự thiếu chuẩn mực pháp lý đối với công cụ tài chính xanh, cùng với thiếu khung pháp lý riêng cho PPA trực tiếp giữa nhà đầu tư và khách hàng tiêu thụ điện lớn. 

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam còn thiếu khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và có tính thực thi cao về tài chính xanh - bao gồm cả thị trường carbon, trái phiếu xanh, và các chứng chỉ năng lượng tái tạo.

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng hiện nay, nhiều vấn đề quốc tế mới đang đặt ra, đặc biệt về vấn đề năng lượng. Do đó, Việt Nam phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, song phải có mức giá hợp lý, phù hợp với mức sống người dân, vừa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng.

Chuyên gia: Giá điện chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân - 2

TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng thể chế hóa các chính sách về năng lượng để triển khai thực tiễn là rất cần thiết để thực hiện chuyển dịch năng lượng với giá hợp lý (Ảnh: Petrotimes).

"Hiện nay, chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là thúc đẩy chuyển dịch xanh trong các ngành, lĩnh vực mà phải gắn với yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng với giá hợp lý", ông Hiển nhìn nhận.

Ngoài ra, ông cho rằng cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia, cải cách thị trường năng lượng về giá điện, cơ chế điều phối... Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng sau khi sáp nhập các tỉnh, thành cũng cần xem xét lại tổng thể quy hoạch năng lượng giữa các tỉnh, các vùng...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Khương - đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) - cho rằng có nhiều cơ hội mở ra với tập đoàn khi thực hiện chuyển dịch năng lượng. Đó là nhu cầu năng lượng trong nước tiếp tục tăng, xu thế chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

"Tuy nhiên, PVN cũng phải đối mặt với một loạt thách thức lớn như sự suy giảm vai trò truyền thống của dầu thô và khí tự nhiên, nguy cơ về “tài sản mắc kẹt” đối với các dự án dầu khí, sức ép giảm phát thải, thu xếp vốn đầu tư...", ông Khương nhìn nhận.

Do đó lãnh đạo tập đoàn cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí. Ban hành khung pháp lý cho năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen, điện hạt nhân..., cũng như có cơ chế cho tập đoàn này làm đầu mối trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-gia-dien-chua-du-hap-dan-dau-tu-tu-nhan-20250728120455608.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm