Tăng trưởng 8,5% năm 2025 khó nhưng không phải bất khả thi
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu, điều hành kịch bản tăng trưởng.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu 6 tháng qua, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2011-2025. Hiện Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản cho cả năm nay. Bộ Tài chính đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1, xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Kịch bản 2 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%, quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 rất khó, nhưng không phải bất khả thi (Ảnh: Đoàn Bắc).
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao 8,3-8,5%, Bộ Tài chính cho rằng các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm cao hơn so với mục tiêu trước đó, nhất là địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như Hà Nội, TPHCM là 8,5%, Quảng Ninh 12,5% và Thái Nguyên 8%...
Các mức này cao hơn 0,4-1% so với chỉ tiêu hồi đầu năm. Tương tự, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ trưởng cho biết cơ quan này kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm đạt 10% trở lên.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức, nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi. Nếu không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
2 trụ cột quan trọng: Xuất khẩu và đầu tư công
Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng GDP 8,3-8,5% đến cuối năm 2025, PGS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - cho rằng, trong ngắn hạn, 2 trụ cột quan trọng nhất vẫn là xuất khẩu và đầu tư công.
Theo ông Huân, xuất khẩu sẽ tiếp tục là một trong hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Ông đánh giá bối cảnh hiện nay nhìn chung khá thuận lợi khi các vấn đề lớn liên quan đến rào cản thuế quan phần nào đã được kiểm soát, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu vẫn là một thách thức đáng lưu ý, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia xuất khẩu trên thế giới. Đây là mức thuế trung bình mà Mỹ đang áp dụng đối với các đối tác có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường này, bao gồm Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á. “Về cơ bản, mức thuế này khiến Việt Nam không có lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng cũng không bị bất lợi rõ rệt. Chúng ta đang ở mức tương đương với các nước trong khu vực”, ông Huân nhận định.
Ông cho rằng khi thuế nhập khẩu cao hơn, giá hàng hóa tại Mỹ sẽ tăng, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, tác động này được đánh giá là không quá lớn, và Việt Nam vẫn có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới nếu tận dụng tốt các lợi thế hiện có và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong ngắn hạn, hai trụ cột quan trọng nhất vẫn là xuất khẩu và đầu tư công (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).
Về đầu tư công, mục tiêu giải ngân 100% vốn là rất thách thức, bởi từ trước đến nay, chưa có năm nào đạt mức này. Tuy nhiên, nếu có thể cải thiện được tiến độ giải ngân, đây sẽ là động lực mạnh cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài 2 trụ cột chính, ông cũng kỳ vọng tiêu dùng nội địa sẽ khởi sắc nhờ lãi suất thấp, thị trường chứng khoán phục hồi và dòng vốn ngoại quay lại. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu bộ máy hành chính và kinh tế giúp người dân an tâm hơn trong chi tiêu. Tuy nhiên, ông cho rằng mức độ phục hồi của tiêu dùng sẽ khó sánh bằng xuất khẩu và đầu tư công.
Liên quan đến mục tiêu vừa tăng trưởng cao, vừa kiểm soát lạm phát, vị chuyên gia nhận định đây là bài toán đánh đổi. Theo đó, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam buộc phải ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, chấp nhận phần nào áp lực lạm phát.
Ông lưu ý, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 3% so với USD, nhưng nếu so với euro hay bảng Anh, mức mất giá lên đến 9-10%. Điều này phản ánh tác động từ xu hướng mạnh lên của đồng USD, và có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như kỳ vọng lạm phát trong thời gian tới, dù hiện tại lạm phát vẫn đang được kiểm soát.
Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trong năm nay, Việt Nam cần có những hành động mang tính chiến lược và quyết liệt.
Về dài hạn, vị chuyên gia nhận định rằng động lực tăng trưởng từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không còn chắc chắn, khi dòng vốn này có xu hướng dịch chuyển nhanh và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố địa chính trị. "Do đó, Việt Nam cần chủ động củng cố các động lực nội tại, trong đó đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước đóng vai trò trụ cột", ông nói.
Ông Nghĩa đánh giá nửa cuối năm vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt từ các trụ cột như đầu tư công, tín dụng, tiêu dùng và khoa học công nghệ.
Trong đó, đầu tư công tiếp tục là động lực then chốt. Cụ thể, các chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách quyết liệt, hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn được giao. Đặc biệt, các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc, sân bay, vành đai đô thị, năng lượng... được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo.
Một dư địa khác được đề cập là tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% trong năm 2025, với sự linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến thực tế, sẽ góp phần quan trọng vào việc cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế. Nguồn vốn này sẽ hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhấn mạnh vai trò chiến lược của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc tạo lập các động lực tăng trưởng mới. "Làn sóng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí. Việc ứng dụng công nghệ sâu rộng không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế", ông nói.
Tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất tích cực
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất tích cực, đang tiến tới con số 8%. Ông cho rằng xu hướng tăng trưởng có đi lên, mặc dù giai đoạn vừa qua có khó khăn. Tuy nhiên, chính khó khăn đó lại đẩy tăng trưởng lên vì Việt Nam tranh thủ thời điểm chưa chốt đàm phán để nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông cho biết Việt Nam là ngôi sao tăng trưởng top 35 GDP thế giới trong bối cảnh thế giới khó khăn, tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Tuy nhiên, nếu đặt vào tổng thể lộ trình đua tranh toàn cầu thì Việt Nam chưa thể vượt, vẫn tụt hậu, thậm chí nhiều lĩnh vực tụt hậu xa hơn.
Ông cũng thẳng thắn nêu ra một số nguyên nhân cần nhìn nhận nghiêm khắc hơn để sửa đổi, giúp nền kinh tế vượt lên.
Nghịch lý đầu tiên là Việt Nam ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không được bồi dưỡng để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại. Trong khi đó các doanh nghiệp FDI thấy được cơ hội này và biến Việt Nam thành điểm sáng bậc nhất thế giới về thu hút FDI. Ông cho rằng điều này đang lãng phí cơ hội lịch sử lớn mà chính chúng ta tạo ra.
Một nghịch lý khác là hiện tượng “đầu tàu” chạy chậm hơn “toa tàu”. Vùng Đông Nam Bộ và TPHCM từng có hàng chục năm tăng trưởng hơn nhiều vùng khác, được coi đầu tàu thế mà tăng trưởng chậm hơn. Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt kết nối cho vùng này kém hơn so với đồng bằng Bắc Bộ.
Về cơ cấu kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam ngày càng ít đi về tỷ trọng, còn FDI tăng lên, dù sự tăng lên của FDI về mặt vốn không quá bùng nổ. Lực lượng chủ đạo của Việt Nam ra thị trường cạnh tranh quốc tế là khối FDI, mà chủ yếu là lắp ráp và gia công.
Ngoài ra ông cũng nêu một số lý do khác như việc duy trì quá lâu cơ chế “xin cho”, tình trạng phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không kiềm chế xu hướng đầu cơ, đặc biệt đối với thị trường đất đai... Gần đây, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận “điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế”, từ đó tạo niềm tin cho cả đất nước.

Tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất tích cực (Ảnh: Nam Anh).
Để tạo động lực thực sự cho khu vực tư nhân, theo ông, cần có sự thay đổi căn bản trong tư duy và logic chính sách. Ông nhấn mạnh rằng cải cách Nhà nước không thể tách rời khỏi việc phát triển các thị trường nền tảng, đặc biệt là thị trường đất đai và tài chính. Nếu hai thị trường này không được cải tổ, mọi nỗ lực cải cách trong khu vực công cũng khó tạo ra tác động lan tỏa.
Theo ông Thiên, những hành động cải cách mới cần theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, cần chấm dứt phân biệt đối xử, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, giảm thiểu hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết; tránh áp dụng hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp; đồng thời chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, để doanh nghiệp được chủ động quyết định và triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông cho rằng nếu các rào cản này được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn lực, qua đó thúc đẩy sự “thay máu” của lực lượng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thị trường đúng nghĩa. "Kinh tế tư nhân cần nhất không phải bơm tiền theo kiểu ưu tiên ưu đãi, mà tạo môi trường kinh doanh tự do", ông nói.
Thứ 3 là cần tạo lập cái mới, thay máu. Doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng cũ, quản trị kiểu cũ thì cần thay máu, thay năng lực, đồng thời tạo ra lực lượng doanh nghiệp mới, đặc biệt là doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ.
"Việc doanh nghiệp làm chiến lược, sử dụng dữ liệu để đưa các phương án và quyết định đều được AI hỗ trợ. Nếu lan tỏa vào tất cả bộ phận thì các doanh nghiệp sẽ có bước tiến vượt bậc", vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng cần được tái cấu trúc, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời đại mới, sức mạnh của lực lượng lao động sẽ phụ thuộc vào khả năng kết hợp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Nếu tận dụng được lợi thế này, Việt Nam có thể gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia lên gấp nhiều lần trong tương lai.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-tang-truong-gdp-85-la-thach-thuc-lon-song-khong-ngoai-tam-voi-20250717182918191.htm
Bình luận (0)