Nhằm góp phần cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản, từ ngày 10 đến 15/4, Vùng Cảnh sát biển 1 đã phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định tổ chức chuyến khảo sát, nắm tình hình thực tế tại một số vùng biển, đảo ven bờ khu vực Đông Bắc. Đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát biển tổ chức một chuyến công tác quy mô với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo các địa phương ven biển. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Thiếu tướng Trần Văn Hậu, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 1, Trưởng đoàn khảo sát, về mục đích, ý nghĩa, kết quả nổi bật và các giải pháp thời gian tới nhằm đồng hành cùng ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển bền vững.
- Thiếu tướng cho biết lý do và ý nghĩa của chuyến khảo sát do Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp tổ chức vừa qua?
+ Chuyến khảo sát lần này nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm triển khai nhiệm vụ trọng tâm được giao: Làm nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển; tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Từ thực tiễn triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, tại các cuộc làm việc, ký kết phối hợp thường niên với các tỉnh ven biển, lãnh đạo địa phương đã nhiều lần đề xuất Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức các đoàn khảo sát thực tế tại các vùng biển, đảo ven bờ. Mục tiêu là để các đồng chí lãnh đạo nắm rõ tình hình thực địa, từ đó có chính sách lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo và phát triển kinh tế biển gắn với khai thác thủy sản bền vững. Chuyến công tác lần này là lần đầu tiên chúng tôi phối hợp tổ chức khảo sát tuyến biển đảo khu vực Đông Bắc, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để EC gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Thông qua chuyến khảo sát biển đảo Đông Bắc nhằm tìm giải pháp gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản từ hành động thực chất. - Trong hành trình này, đoàn đã thu được những kết quả nổi bật nào, thưa Thiếu tướng? + Có thể nói, chuyến khảo sát đã diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, dù thời tiết trên biển nhiều thời điểm rất khắc nghiệt. Đoàn đã hành trình trên 300 hải lý, đến thăm nhiều đảo ven bờ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, đồng thời khảo sát trực tiếp hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. |
Điều đáng mừng nhất là qua chuyến khảo sát, chúng tôi ghi nhận đa số bà con ngư dân đã chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, không có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài hay sử dụng phương tiện, ngư cụ trái phép.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã có dịp trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển. Từ đó, để lãnh đạo các địa phương đưa ra quyết sách tháo gỡ “thẻ vàng” và huy động sự phối hợp liên ngành, liên địa phương, nhất là với lực lượng Cảnh sát biển để tạo nên thế trận quản lý vững chắc trên biển, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng đã hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức của lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là trong việc phát hiện, xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Có những thời điểm, tàu Cảnh sát biển phải kiên trì phát tín hiệu, tuyên truyền nhiều lần mới buộc được tàu vi phạm ra khỏi khu vực phân định.
Bên cạnh đó, đoàn công tác đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thả hoa tưởng niệm 9 cán bộ, nhân viên tổ bay CASA-212, số hiệu 8983 đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển và bà con ngư dân tử nạn trong quá trình làm ăn, sinh sống trên khu vực này. Đoàn cũng đã tặng hơn 200 suất quà cho gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên các đảo; tặng trên 500 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đang làm ăn trên biển… Tuy giá trị vật chất các phần quà không lớn, nhưng đây là những tình cảm chân thành, góp phần động viên bà con yên tâm bám biển, bám đảo.
- Từ những kết quả trên, trong thời gian tới, Vùng Cảnh sát biển 1 sẽ triển khai những giải pháp gì để tiếp tục đồng hành cùng ngư dân và góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” IUU?
+ Trước hết, chúng tôi sẽ tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện từ chuyến khảo sát vừa qua để hoàn thiện kế hoạch phối hợp với các tỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, mỗi năm, Vùng Cảnh sát biển 1 sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát tại các tuyến biển đảo khác nhau để củng cố mối quan hệ phối hợp thực chất và hiệu quả giữa lực lượng Cảnh sát biển và chính quyền các địa phương ven biển.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao về vi phạm IUU, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép. Trong quý I/2025, đáng mừng là qua kiểm tra, chưa ghi nhận tàu cá nào của ngư dân khu vực Vịnh Bắc Bộ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Đây là tín hiệu rất tích cực, nhưng chúng tôi xác định phải tiếp tục duy trì và phát huy.
Về tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để đẩy mạnh truyền thông về IUU đến từng ngư dân, từng hộ dân ven biển. Đặc biệt, sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các chương trình như “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại các huyện đảo, trường học ven biển để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ thế hệ trẻ.
- Xin Thiếu tướng chia sẻ thêm về vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong chương trình phối hợp vừa qua và kỳ vọng của đồng chí trong thời gian tới?
+ Quảng Ninh là một trong những địa phương có đường bờ biển dài, ngư dân đông, hoạt động đánh bắt sôi động, đặc biệt có nhiều đảo và vùng biển chiến lược như Cô Tô, Vân Đồn… Trong chuyến khảo sát, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ sự chủ động, sát sao và đồng hành cùng lực lượng Cảnh sát biển trong mọi hoạt động.
Chúng tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân và lực lượng chức năng, tôi tin rằng, Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sẽ từng bước đáp ứng được các khuyến nghị của EC, tiến tới tháo gỡ “thẻ vàng”, nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Nguồn
Bình luận (0)