Đa số thành viên Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Minh là phụ nữ người dân tộc thiểu số. |
Xã Liên Minh vốn có truyền thống trồng và chế biến chè từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dù người dân bỏ nhiều công sức nhưng thu nhập từ cây chè lại không ổn định, do sản xuất nhỏ lẻ, canh tác theo phương thức cũ và chưa có thương hiệu.
Gắn bó với nghề làm chè từ lâu, chị Hải thấu hiểu những khó khăn mà người dân địa phương phải đối mặt. Chị trăn trở: Người làm chè vất vả, năng suất thấp, lại chủ yếu bán thô nên giá rẻ. Bởi vậy muốn sản phẩm chè có “chỗ đứng” thì cần xây dựng quy trình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, bảo quản và quảng bá. Để có vùng nguyên liệu ổn định, chị đã vận động, tập hợp các hộ trồng chè để thành lập hợp tác xã (HTX).
Năm 2019, HTX nông sản an toàn Liên Minh thành lập với 20 thành viên do chị Hoàng Thị Hải làm Giám đốc. Để HTX hoạt động theo đúng mục tiêu ban đầu, chị đã phân tích cho bà con hiểu về lợi ích của sản xuất chè an toàn; tích cực đi “xin” các chương trình, dự án hỗ trợ giống, phân bón cho bà con; phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng chè cho các thành viên; ký kết với thành viên tuân thủ theo quy trình sản xuất của HTX...
Chị nhấn mạnh vào mô hình sản xuất xanh, gắn liền với bảo vệ môi trường, giảm thiểu phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đồng thời khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây chè. Chị hỗ trợ bà con từ những điều nhỏ nhất, như hướng dẫn thành viên phơi chè trên lưới thay vì rải trực tiếp xuống đất như trước…
Các sản phẩm chè của Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Minh được thiết kế bao bì sang trọng, đẹp mắt. |
Bên cạnh đó, chị cũng thiết kế bao bì, mẫu mã, nhãn mác để tạo ra bộ nhận riêng; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, trên các trang thông tin, mạng xã hội, tìm kiếm đầu ra…
Sản phẩm chè của HTX được chế biến và đóng gói theo dây chuyền công nghệ mới, máy móc đồng bộ, nhà xưởng khép kín rộng 250m2, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau một năm thành lập, thành viên trong HTX đã cùng nhau thay đổi thói quen canh tác, đảm bảo chất lượng đồng đều và nâng cao giá trị sản phẩm. Các hộ dân được hướng dẫn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, dần tiến tới sản xuất hữu cơ. Nhờ đó, giá chè từ mức hơn 100 nghìn đồng/kg đã tăng gấp 2-3 lần.
Thấy được lợi ích rõ rệt, ngày càng nhiều hộ dân xin gia nhập HTX. Đến nay, HTX nông sản an toàn Liên Minh có 50 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết. HTX không chỉ giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp các thành viên (chủ yếu là phụ nữ và người dân tộc thiểu số) tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn ưu đãi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Nhờ sự kiên trì và tâm huyết của chị Hải, thương hiệu chè Liên Minh ngày càng được khẳng định trên thị trường. Hiện HTX có vùng nguyên liệu rộng 50ha chè VietGAP, sản xuất 3 dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn Liên Minh và trà Liên Minh.
Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc, được thiết kế, in ấn đẹp mắt, được giới thiệu, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và xuất hiện trong nhiều siêu thị lớn trên cả nước.
Mỗi năm, HTX tiêu thụ trên 30 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng. Trong đó 60% là bán theo đơn đặt hàng, đóng gói với giá bán từ 250 nghìn đến 1 triệu đồng/kg, tùy từng sản phẩm.
Cùng với cây chè, chị Hải cùng cộng sự đã tìm hướng đi hoàn toàn mới ở địa phương đó là trà hoa đu đủ - một sản phẩm dược liệu tiềm năng.
Chị chia sẻ: Sau nhiều lớp tập huấn, tôi biết xu hướng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược ngày càng tăng. Đặc biệt là việc chế biến các bài thuốc dân gian từ cây hoa đu đủ đực đã được bà con người Dao, người Tày, người Mường sử dụng từ lâu.
Trồng đu đủ lấy hoa làm trà - một sản phẩm dược liệu mới có tiềm năng phát triển ở xã Liên Minh (Võ Nhai). |
Bởi vậy, chị cùng thành viên trồng gần 3ha cây đu đủ, được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, đến cuối năm 2020, HTX đã sản xuất thành công trà hoa đu đủ đực với hương thơm dịu, vị thanh mát.
Sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận, có mặt tại các tỉnh lân cận và Thủ đô Hà Nội với giá bán lẻ từ 3,5-5 triệu đồng/kg. Sản phẩm trà xanh và trà hoa đu đủ đực được chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023, 2024.
Riêng trà móc câu Liên Minh từng được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.
Chị Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, chia sẻ: Năm 2022, chị Hải được tôn vinh gương nông dân sản xuất kinh doanh gỏi cấp tỉnh. Không chỉ giúp bà con làm giàu từ cây chè, mô hình HTX còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo động lực để người dân yên tâm gắn bó với nghề. Câu chuyện khởi nghiệp của chị Hải đã tạo động lực để nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/chuyen-nguoi-phu-nu-xay-dung-thuong-hieu-che-lien-minh-c520180/
Bình luận (0)