Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Trung Quốc 30/10-1/11/2022. (Nguồn: TTXVN)
Lần thứ 3 Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam Trong năm 2022, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất thành công với Tuyên bố chung gồm 13 điểm, được truyền thông rộng rãi, cả hai nước và thế giới biết đến. Những thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng Bí thư vào năm ngoái đã được tích cực triển khai và đang đạt những kết quả tốt. Chuyến thăm lần này có điểm đặc biệt, đó là đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam ba lần. Chính vì vậy, có nhiều kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới với những thỏa thuận mới hoặc triển khai cụ thể hơn những thỏa thuận đã có đi vào thực tế hơn. Một năm hiếm có Năm 2023 là năm mà quan hệ Việt Nam và Trung Quốc phát triển thuận lợi. Sau đại dịch Covid-19 các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn được khôi phục, mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là mang tính lịch sử, đã mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước và một số vấn đề khó khăn giữa hai nước được tháo gỡ. Sau chuyến thăm đó, nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ ngành, địa phương của 2 nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau. Về phía Việt Nam có thể kể đến là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh (tháng 10); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (tháng 6), mới đây là tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây (tháng 9); hay chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (tháng 4)… Về phía Trung Quốc có Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam đồng chủ trì phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Dũng thăm Việt Nam; các chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Vân Nam, Khu ủy Quảng Tây… Theo các chuyên gia, trong một khoảng thời gian ngắn mà sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất. Không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả về kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng được tăng cường, thúc đẩy. Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trùng hợp với dịp hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ ngoại giao cao nhất của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, ngày 01/12 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Tiềm năng hợp tác còn rất lớn Theo ông Nguyễn Vinh Quang, nhìn chung tình hình quan hệ hai nước năm 2023 thuận lợi và nhiều điểm sáng và hy vọng tương lai quan hệ hai nước sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng phải nhìn nhận hiện giữa hai nước vẫn còn có những vấn đề tồn đọng cần phải tìm giải pháp cụ thể để từng bước giải quyết. Những vấn đề đó đã được lãnh đạo cấp cao đề cập, thảo luận một cách nghiêm túc và các cơ chế để giải quyết vấn đề đó cũng được nối lại sau đại dịch. Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2022) và trong Thông cáo báo chí chung nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc (6/2023), hai bên đều khẳng định “nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước”. Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, việc kết nối chiến lược phát triển là xu thế trên thế giới, đặc biệt khi Việt Nam với Trung Quốc là hai nước láng giềng, có rất nhiều điểm đồng, cho nên việc kết nối là cần thiết. Tiềm năng phát triển giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn, trong đó giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa là những điểm sáng, điểm mạnh trong quan hệ hai nước. Một chuyên gia Trung Quốc cho biết: “Là người làm công tác ngoại giao nhân dân trong nhiều năm, tôi cho rằng việc phát huy được yếu tố này là rất tốt. Bởi tăng cường hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước chính là nền tảng, cơ sở của quan hệ hữu nghị Việt-Trung. Nói hữu nghị mà nhân dân không có giao lưu, không có sự hiểu biết thì hữu nghị đó không phải thực chất và chưa chắc chân thật”. Về kinh tế, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thương mại giữa hai nước vẫn duy trì tương đối tốt, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN. Theo ông Nguyễn Vinh Quang, điều đáng mừng nhất là cán cân thương mại chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc từng bước rút ngắn. Thực tế có nhiều hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng như nông sản, thuỷ hải sản... thậm chí có những nông sản gần đây người Trung Quốc mới cảm thấy hấp dẫn, ví dụ như quả sầu riêng. Vì vậy hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác. Việt Nam là một nước nông nghiệp, có những người nông dân cần cù sản xuất ra nhiều sản phẩm và Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Còn ở chiều ngược lại, Trung Quốc như “một đại công xưởng của thế giới” có thể cung cấp cho Việt Nam rất nhiều thứ thị trường đang cần.PV
Bình luận (0)