Sự kiện diễn ra nhân dịp đoàn đại biểu Đối ngoại Quảng Tây (Trung Quốc) do ông Ngụy Nhiên, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Hội trưởng Hội hữu nghị nhân dân đối ngoại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chương trình có sự tham dự của ông Đỗ Nam Trung, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao Việt Nam); ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang; Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cùng đại diện lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây.
Cùng nhau kể câu chuyện tốt đẹp về tình hữu nghị Việt - Trung
Phát biểu khai mạc, ông Ngụy Nhiên bày tỏ niềm vui khi gặp gỡ các nhân sĩ hữu nghị và lưu học sinh tại Hà Nội, để “cùng nhau ôn lại tình hữu nghị và sáng tạo một tương lai tươi sáng”. Ông nhấn mạnh: năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Việt Nam và cũng là Năm Giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam; hai nước đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Ông dẫn lại những dấu ấn lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng tại Nam Ninh, Quế Lâm, Liễu Châu; các trường Dục Tài ở Quảng Tây từng đào tạo hàng vạn học sinh Việt Nam, nhiều người trong số đó trở thành trụ cột của đất nước, góp phần bồi đắp tình hữu nghị hai nước. Ông còn nhắc đến giai điệu bài hát “Việt Nam - Trung Hoa” như minh chứng sinh động cho quan hệ bền chặt “núi liền núi, sông liền sông”.
Chương trình Gặp mặt giao lưu giữa đoàn đại biểu Đối ngoại Quảng Tây (Trung Quốc) và đại diện nhân sĩ hữu nghị cùng lưu học sinh Việt Nam du học tại Quảng Tây. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Ông Ngụy Nhiên cũng khẳng định, giáo dục luôn là lĩnh vực hợp tác then chốt giữa Quảng Tây và Việt Nam. Số sinh viên Việt Nam sang Quảng Tây đạt mức cao nhất 4.245 người vào 2019. Riêng năm 2023, Quảng Tây tiếp nhận 3.764 sinh viên Việt Nam, nhiều nhất trong các địa phương của Trung Quốc. Hiện có gần 4.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Quảng Tây, với 9 trường đại học và 4 trường nghề đào tạo tiếng Việt.
“Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, nhân dân hai bên biên giới sống hòa thuận, có tình hữu nghị lâu đời”, ông Ngụy Nhiên nói và nhấn mạnh cuộc gặp lần này nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến của lưu học sinh để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các bạn trở thành những đại sứ hữu nghị thúc đẩy hợp tác Quảng Tây - Việt Nam.
Ông Đỗ Nam Trung, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao Việt Nam), đánh giá cao vai trò của Quảng Tây trong hợp tác với Việt Nam. Ông khẳng định, những thành tựu quan trọng của quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và Quảng Tây cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của các nhân sĩ hữu nghị và hàng nghìn du học sinh Việt Nam tại Quảng Tây.
Ông Ngụy Nhiên, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Hội trưởng Hội hữu nghị nhân dân đối ngoại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trao đổi với các đại biểu tham gia Chương trình. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ hai nước đang hướng tới giai đoạn phát triển rực rỡ lần thứ hai với nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả và giao lưu nhân văn sôi động.
Ông điểm lại kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 265 tỷ USD, Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam suốt nhiều năm; riêng Quảng Tây đã tiếp nhận gần 4.000 sinh viên Việt Nam. Ông điểm lại nhiều hoạt động nổi bật trong Năm Giao lưu nhân văn Trung - Việt 2025, từ lễ hội văn hóa, hội thảo giáo dục, Hành trình Đỏ đến cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ”… qua đó gia tăng hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Hội lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây
Tại buổi giao lưu, các cựu lưu học sinh đến từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang chia sẻ những trải nghiệm sâu sắc khi học tập tại Quảng Tây, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất thiết thực nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Quảng Tây.
Đặng Thị Quỳnh Hoa, cựu lưu học sinh tỉnh Tuyên Quang tại Quảng Tây. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chị Đặng Thị Quỳnh Hoa (tỉnh Tuyên Quang), tốt nghiệp Đại học Dân tộc Quảng Tây theo học bổng giai đoạn 2022-2025, cho biết học bổng Quảng Tây không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn mở ra cánh cửa tri thức, cơ hội giao lưu văn hóa, góp phần vun đắp tình hữu nghị bền chặt giữa thế hệ trẻ hai nước. Chị đề xuất tiếp tục duy trì, mở rộng chương trình học bổng Quảng Tây, ưu tiên cán bộ trẻ và thiết kế phù hợp nhu cầu đào tạo của các tỉnh biên giới; tăng cường kết nối mạng lưới cựu lưu học sinh với các cơ quan, doanh nghiệp hai nước; xây dựng cơ chế hỗ trợ việc làm, hợp tác chuyên môn cho lưu học sinh sau tốt nghiệp. Chị cũng đề nghị thành lập mạng lưới cựu lưu học sinh Quảng Tây theo từng chuyên ngành để duy trì kết nối và mở rộng hợp tác; thúc đẩy các chương trình hợp tác mới, thiết thực giữa Quảng Tây và tỉnh Tuyên Quang, nhất là về kinh tế biên giới, du lịch, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, giao lưu văn hóa.
Chị Vi Trang Linh (Lạng Sơn), đang học cao học tại Đại học Hà Bắc, đề nghị Quảng Tây mở rộng quy mô học bổng, đa dạng ngành đào tạo, tăng hợp tác với nhiều trường đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương biên giới. Chị bày tỏ mong muốn các dự án hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, hợp tác doanh nghiệp tiếp tục được duy trì, phát triển bền vững.
Chị Nguyễn Tú Anh, hiện công tác tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), từng học tại Đại học Y khoa Quảng Tây, chia sẻ thời gian học tập tại Quảng Tây giúp chị tích lũy kiến thức chuyên môn và những kỷ niệm sâu sắc về tình thầy trò, bạn bè. Trở về công tác, chị và các lưu học sinh chính là cầu nối hiệu quả thúc đẩy giao lưu, hợp tác thực chất giữa Quảng Tây và Việt Nam, đặc biệt trong y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ. Chị ủng hộ sáng kiến thành lập Hội lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây, coi đây là mạng lưới gắn kết, chia sẻ, phát huy vai trò cầu nối hữu nghị.
Chị Trương Thị Thu Hương (Cao Bằng), giảng viên Trường Cao đẳng Cao Bằng, từng học tại Đại học Quảng Tây (2011-2015), cho biết những kiến thức, trải nghiệm tại Quảng Tây đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc hiện nay và góp phần vào các hoạt động hợp tác thiết thực giữa địa phương hai nước. Chị khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hữu nghị trong các hoạt động hợp tác tới đây.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Ông Ngụy Nhiên ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất của các lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây, coi đây là nguồn tham khảo quý báu cho công việc thời gian tới. Ông cho biết hiện Quảng Tây đã cấp hơn 500 suất học bổng toàn phần cho sinh viên 04 tỉnh biên giới Việt Nam và đến nay hơn 1.300 lưu học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp tại Quảng Tây, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông nhấn mạnh mong muốn thế hệ lưu học sinh này sẽ trở thành lực lượng tích cực xây dựng cộng đồng xã hội Việt Nam và thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa hai nước. Từ thực tiễn đó, ông đề xuất ba sáng kiến: Thứ nhất, cùng nhau kể những câu chuyện tốt đẹp về tình hữu nghị Trung - Việt để tăng cường sự hiểu biết và gắn bó. Thứ hai, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu hữu nghị, nhất là trong Năm Giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thứ ba, thành lập Hội lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây, làm nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác bền vững.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/gap-go-dai-su-huu-nghi-luu-hoc-sinh-viet-nam-tai-quang-tay-hien-ke-ket-noi-hop-tac-214880.html
Bình luận (0)