Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Có cần thiết bỏ sổ hồng giấy?

(NLĐO)- Việc quản lý tài sản thông qua sổ hồng giấy đang bộc lộ nhiều hạn chế như mất mát, làm giả giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà

Người Lao ĐộngNgười Lao Động28/05/2025

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM mới đây đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Thành ủy TP HCM về việc thay thế sổ hồng giấy bằng phiên bản số hóa.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, đề xuất này xuất phát từ tinh thần Nghị quyết 57 về chuyển đổi số quốc gia cùng Đề án cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ngoài ra, thực tiễn hiện nay cho thấy việc quản lý tài sản thông qua sổ hồng giấy đang bộc lộ nhiều hạn chế như mất mát, làm giả giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà và thiếu minh bạch trong giao dịch.

Việc cấp sổ hồng điện tử, tích hợp mã hóa định danh thay thế hình thức giấy tờ truyền thống không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn tăng tính công khai, minh bạch trong các giao dịch liên quan đến đất đai.

Có cần thiết bỏ sổ hồng giấy? - Ảnh 1.

Hầu hết các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đều đồng tình với đề xuất số hoá sổ hồng

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – công nghệ cho biết việc tích hợp thông tin thửa đất, tờ bản đồ vào ứng dụng định danh công dân VNeID sẽ mang lại nhiều lợi ích. Người dân sẽ thuận tiện hơn khi giao dịch; cơ quan nhà nước cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý quy hoạch, thu thuế và phòng chống hành vi lừa đảo. Việc số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời phù hợp với xu thế công chứng điện tử và phát triển chính phủ số.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng thách thức lớn hiện nay nằm ở sự thiếu đồng bộ của cơ sở dữ liệu đất đai. Tình trạng dữ liệu phân tán, không đầy đủ, cùng các tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh đồng bộ từ hệ thống pháp luật, hạ tầng kỹ thuật và thói quen sử dụng giấy tờ truyền thống của người dân.

Ở góc độ chuyên gia công nghệ, ông Phan Đức Nhật, Chủ tịch Coin.Help & BHO Network, nhận định việc số hóa sổ hồng là một bước đi mang tính cách mạng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Ông dẫn chứng mô hình quản lý này đã được triển khai thành công tại một số quốc gia như Estonia và Singapore, nơi hệ thống quản lý bất động sản đã được kết nối thông minh với các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Việc số hóa giúp toàn bộ thông tin về quyền sở hữu, lịch sử giao dịch và tình trạng pháp lý của tài sản trở nên rõ ràng, minh bạch. Điều này sẽ góp phần làm giảm rủi ro gian lận, hạn chế tranh chấp và thúc đẩy giao dịch bất động sản an toàn, nhanh gọn hơn. Thay vì xử lý hàng loạt giấy tờ thủ công, người dân và tổ chức chỉ cần vài thao tác trên nền tảng số để thực hiện giao dịch, mua bán hay thế chấp.

Cũng theo chuyên gia này, dữ liệu được số hóa cũng mở đường cho việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và AI trong định giá tài sản, giúp các nhà đầu tư và cơ quan quản lý đưa ra quyết định chính xác hơn, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, thao túng giá bất động sản. Khi thị trường vận hành dựa trên nền tảng minh bạch và công bằng, sự phát triển sẽ ổn định và bền vững hơn.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa giải pháp này, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, hoàn thiện khung pháp lý và bảo đảm an ninh thông tin. Nếu các thách thức trên được giải quyết triệt để, việc số hóa sổ hồng sẽ góp phần hiện đại hóa thị trường bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo nền tảng phát triển lâu dài.

Là người thường xuyên tiếp xúc với các loại văn bản nhà đất, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, cũng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất bỏ sổ hồng giấy. Bởi việc tích hợp sổ hồng với mã số định danh cá nhân như CCCD hay VNeID không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đồng bộ dữ liệu, hỗ trợ Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, kiểm soát tài sản và quản lý thuế hiệu quả hơn. Người dân cũng chỉ cần nhập mã số để truy xuất đầy đủ thông tin về tài sản, qua đó gia tăng tính minh bạch và tiện lợi trong các giao dịch.

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh để triển khai thành công, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, bao gồm phần mềm quản lý và hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể, tránh gây ra những ách tắc ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và quyền lợi người dân. Việc huy động các doanh nghiệp công nghệ trong nước cùng tham gia là giải pháp then chốt để triển khai thành công chương trình số hóa sổ hồng.


Nguồn: https://nld.com.vn/co-can-thiet-bo-so-hong-giay-196250528145722741.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm