Hành trình chạm tới trái tim
Sinh ra tại Việt Nam, Phạm Hồng Linh theo học tại Đại học Brown (Mỹ), hoàn thành Thạc sĩ tại Anh, và đang theo học ngành Thiết kế Kỹ thuật (Design Engineering) tại Đại học Harvard (Mỹ).
Ngày 28/3 vừa qua, cô giành giải nhất cuộc thi HBS New Venture Competition ở hạng mục sáng kiến khởi nghiệp xã hội. Theo thông tin trên website chính thức, trong suốt 25 năm tổ chức, Linh là học sinh Việt đầu tiên trở thành quán quân, nhận phần thưởng trị giá 75.000 USD (hơn 1,9 tỷ đồng).
Cô từng tham gia nhiều dự án công nghệ lớn, nhưng Lexi - một phần mềm dịch thuật y tế bằng AI - lại là dự án chạm tới trái tim nhiều người, bởi hành trình riêng gắn liền với quê hương và cộng đồng.

Phạm Hồng Linh (giữa) giành Giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp 2025 - Trường Kinh doanh Harvard với phần mềm dịch thuật y khoa Lexi vào tháng 4/2025 (Ảnh: NVCC).
"Đây là phần mềm dịch thuật y tế bằng AI, hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân giao tiếp hiệu quả trong khám chữa bệnh.
Phần mềm giúp bác sĩ và bệnh nhân vượt qua rào cản ngôn ngữ trong khám chữa bệnh, đặc biệt là với người nhập cư", Linh chia sẻ.
Công trình của Linh và Syddharth UR (Ấn Độ) tiếp tục gây tiếng vang khi giành giải vàng tại iF Design Award 2025 - một trong những giải thưởng thiết kế uy tín nhất thế giới, bên cạnh các tên tuổi như Apple, Samsung, LG, IBM và Ferrari. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Berlin (Đức) ngày 28/4 tới.
Trước đó, Linh cũng từng tạo dấu ấn trong cộng đồng thiết kế với phần mềm "Dệt cói" - lấy cảm hứng từ làng nghề dệt cói Quảng Nam, nhằm lưu giữ văn hóa Việt qua công nghệ.
Ngày 5/4, nữ sinh Việt Phạm Hồng Linh tiếp tục giành giải nhất tại cuộc thi thuyết trình Female Founder Circle, do tổ chức Phụ nữ Khởi nghiệp tại Harvard trao giải.




Sự kiên trì nuôi dưỡng hành trình
Linh chia sẻ rằng Lexi bắt đầu từ một dự án lớp học tại Harvard. Nhóm toàn là người nhập cư, cùng quan tâm đến cuộc sống của những ai rời quê hương để bắt đầu lại ở Mỹ. Từ câu hỏi "Điều gì khiến cha mẹ người nhập cư tổn thương nhất?" - cả lớp lặng im. Rồi một tiếng nói vang lên: "Ngôn ngữ".
Từ trăn trở về rào cản ngôn ngữ - đặc biệt trong chăm sóc y tế - Linh và cộng sự bắt tay thực hiện Lexi.
Linh cùng cộng sự khảo sát tại hơn 20 cơ sở y tế ở Massachussetts (Mỹ). Họ chứng kiến vô số tình huống sinh tử mà việc không hiểu ngôn ngữ khiến bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Các phần mềm dịch thông thường thì sai lệch nguy hiểm.

Nhiều lúc Linh mệt mỏi muốn bỏ cuộc nhưng cô nỗ lực để tiếp tục hành trình (Ảnh: NVCC).
Thực tế không hề dễ dàng, Linh cho biết cô đã liên hệ hơn 60 hệ thống y tế nhưng nhiều nơi không phản hồi. "Vì chúng tôi là sinh viên, nhiều người nghĩ đây chỉ là một bài tập ở lớp, không phải điều có thể theo đuổi nghiêm túc.
Nhiều khi thấy mệt mỏi, tôi nghĩ có thể nào bỏ cuộc bởi sự thay đổi trong y tế thật khó khăn nhưng bằng nỗ lực, tôi và cộng sự tiếp tục hành trình", Linh chia sẻ.
Câu trả lời của Linh không mang theo sự than phiền, mà là sự kiên trì. "Chúng tôi giữ liên lạc suốt nhiều tháng trời. Khi họ thấy cả nhóm không bỏ cuộc, họ bắt đầu lắng nghe. Quan trọng nhất là tìm được những người tin vào sứ mệnh và giúp kết nối mình với phần còn lại trong hệ thống", cô nhớ lại.
Lexi ra đời để lấp vào khoảng trống ấy. Với công nghệ AI chuyên biệt cho ngữ cảnh y tế, Lexi được xây dựng để hiểu chính xác biểu hiện triệu chứng, quy trình điều trị và ngôn ngữ đặc thù ngành y.

Rời Việt Nam 15 năm nhưng hầu hết các dự án của Linh đều mang âm hưởng quê hương (Ảnh: NVCC).
Trong 2-3 tháng, đội ngũ đã lập trình nên phiên bản đầu tiên, hỗ trợ 6 ngôn ngữ phổ biến: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt, Trung, Pháp và Nga - với hàng nghìn thuật ngữ y khoa được cập nhật thường xuyên từ phản hồi của bác sĩ.
Phần mềm có thể giúp bác sĩ hỏi bệnh, hướng dẫn dùng thuốc, giải thích các bước điều trị; đồng thời giúp bệnh nhân nói rõ triệu chứng, chia sẻ cảm xúc và mong muốn điều trị.
"Trong những tình huống cấp cứu, khi không có phiên dịch viên, Lexi thật sự có thể trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực," ông Lee Kaplan, Giám đốc Viện Y học thể thao Đại học Miami, nhận định sau khi thử nghiệm các phiên bản đầu tiên của Lexi.
Chia sẻ về việc dù đã rời Việt Nam 15 năm nhưng hầu hết các dự án của Linh đều mang âm hưởng quê hương, Linh cho hay, mình chưa bao giờ rời xa gốc rễ. "Gia đình mình vẫn ở Việt Nam, và mình luôn tự hào là người Việt - vì văn hóa, tình người, và sự chăm lo cho nhau," Linh tâm sự.
Cô khẳng định: "Dù đang làm việc và sống ở Mỹ, mình không muốn đánh mất điều đó. Mình có được ngày hôm nay là nhờ nhiều người nâng đỡ - và bây giờ, mình muốn góp phần nâng đỡ người khác".
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-gai-viet-xinh-dep-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-lich-su-25-nam-cua-dh-harvard-20250411121745664.htm
Bình luận (0)