Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên

Là một cô giáo, cách đây 10 năm, chị Dịu theo chồng đến vùng đất Đắk Nông sinh sống. Ngoài công việc làm giáo viên với đồng lương ít ỏi, chị tìm nguồn thu nhập thêm từ việc bán lẻ các mặt hàng nông sản của địa phương. Nhận thấy vùng đất này có nhiều mắc ca và hương vị lại thơm, ngon đặc biệt, chị đã thử lấy mắc ca sấy về bán.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam07/04/2025

Đi qua những lần thất bại

Đắk Nông nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, 40 dân tộc anh em sinh sống nơi đây đã tạo nên vùng đất đa văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa, cũng là mảnh đất sản sinh ra nhiều nông sản đặc trưng của núi rừng như cà phê, tiêu, điều, mắc ca, sầu riêng, bơ, mật ong…

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên- Ảnh 1.

Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát lọt TOP 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023

Là một cô giáo, cách đây 10 năm, chị Dịu theo chồng đến vùng đất Đắk Nông sinh sống. Ngoài công việc làm giáo viên với đồng lương ít ỏi, chị tìm nguồn thu nhập thêm từ việc bán lẻ các mặt hàng nông sản của địa phương. Nhận thấy vùng đất này có nhiều mắc ca và hương vị lại thơm, ngon đặc biệt, chị đã thử lấy mắc ca sấy về bán.

"Lần đầu tiên, tôi bỏ vốn ra mua 5kg mắc ca để mang đi bán, nhưng cả tháng chỉ bán được có một gói 500gr. Hàng để lâu trong nhà, nhìn cũng sốt ruột mà rất buồn nữa nên tôi đã phải mang số còn lại đi tặng" - chị Dịu nhớ lại.

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên- Ảnh 2.

Những sản phẩm OCOP 3 sao như mắc ca, thanh hạt dinh dưỡng, và rong biển kẹp hạt không chỉ là niềm tự hào của chị Dịu và người địa phương mà chị còn mong muốn đưa hương vị cao nguyên đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước

Sau lần "khởi nghiệp" thất bại, chị Dịu trăn trở suy nghĩ đến gầy cả người. Chồng chị an ủi, động viên và mua thêm nguyên liệu để chị thử nghiệm. Có được sự đồng lòng của người thân, chị đã không nản trí, tiếp tục kiên trì theo đuổi, nhưng không nóng vội.

"Tôi đã nghiên cứu để "hiểu" về cây mắc ca hơn. Đây là loại cây không dễ trồng, phải chăm cây và yêu cây thì cây mới sống và đâm chồi. Từ đó mới tạo nên sản phẩm của riêng mình. Thế nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi. Tôi nhớ có thời gian, mặc dù đã nghiên cứu rất kỹ, nhưng khi bắt tay vào những mẻ mắc ca sấy đầu tiên, tôi cũng liên tiếp gặp thất bại. Có những mẻ sấy hỏng mất đến 10, 30 triệu đồng, có những mẻ mất trắng. Trong khi đó, tiền đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị đều đi vay. Sau nhiều đêm thức trắng, vừa lo tiền bạc đang ngày một vơi đi, vừa nghĩ tại sao người khác làm được mà mình lại không. Cuối cùng, trải qua nhiều lần thất bại, tôi cũng tìm ra được quy trình sấy hoàn thiện cho sản phẩm của mình, mang hương vị đặc trưng riêng" - chị Dịu chia sẻ quá trình khởi nghiệp của mình.

Sau thất bại, chị tiếp tục mày mò, làm thử, cuối cùng cũng đạt được mẻ sấy khả thi. Thế nhưng khi sấy, sản phẩm không đều tay. Vì thế phải mất thêm một khoảng thời gian nữa, chị mới tìm ra được công thức chuẩn. Chị sấy một lúc nhiều mẻ, mỗi mẻ lại cho chị thêm kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm.

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên- Ảnh 3.

Sản phẩm của Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát của chị Dịu đang có mặt thị trường trong và ngoài nước

Liên tiếp 2 năm sau đó, sản phẩm hạt mắc ca sấy của chị Dịu đã thành công mĩ mãn. Hàng làm ra không đủ bán, thường xuyên "cháy hàng".

Chị cũng nhanh chóng nhận ra, vùng nguyên liệu mắc ca tại địa phương rất dồi dào, chất lượng lại tốt nên đã quyết định tự thành lập một cơ sở sản xuất mắc ca. Đây cũng là quyết định táo bạo của chị, nhằm mở rộng quy mô kinh doanh. Nhưng xa hơn nữa là khát vọng mang đến nguồn thu nhập chính đáng cho người nông dân trồng mắc ca tại quê hương thứ hai của chị.

Không dừng ở việc chế biến hạt mắc ca thành phẩm, chị Dịu đã nghiên cứu và mang hương vị mắc ca kết hợp với gạo lứt, sầu riêng, các hạt ngũ cốc để tạo ra những sản phẩm mới như: Thanh ngũ cốc dinh dưỡng, thanh sầu riêng ngũ cốc...

"Ban đầu, tôi chỉ đóng gói sản phẩm đơn giản, nhưng như vậy rất khó để khách hàng nhận biết sản phẩm của mình. Vì vậy, tôi tiếp tục đầu tư về mẫu mã, thiết kế bao bì, mã vạch, tem truy suất, kiểm định sản phẩm, tích cực tham gia các cuộc thi để đưa sản phẩm mắc ca tiếp cận thị trường. Hiện nay, mỗi tháng, Công ty đang cung ứng cho thị trường từ 7-9 tấn sản phẩm" - chị Dịu cho biết.

Công ty của chị Dịu có 2 sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thanh hạt dinh dưỡng và mắc ca sấy. Để đưa sản phẩm ngày càng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng và mở rộng thị trường, chị Dịu đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối tiêu thụ. Chuyển đổi số cũng giúp chị quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của công ty thuận lợi, kịp thời.

Hội phụ nữ là "hậu phương" vững chắc

Để có được thành công hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chị Dịu cũng may mắn được các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ vốn, máy móc... Đặc biệt là sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh Đắk Nông. Đến giờ chị còn nhớ như in niềm hạnh phúc khi đưa sản phẩm tham gia cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" và đạt giải Nhì "Cuộc thi phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp 2019 của Hội LHPN tỉnh tổ chức. Đó là giải thưởng đầu tiên trong con đường kinh doanh của chị. Nhờ đó thương hiệu Vida Boom của chị trở nên phổ biến và được ưa chuộng.

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên- Ảnh 4.

Không chỉ là một công ty sản xuất, công ty của chị Dịu còn là một cầu nối giữa người nông dân và thị trường.

Năm 2023 chị Trần Thị Dịu đạt nhiều thành công: Sản phẩm tiếp tục đạt giải Nhất cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, với dự án "Sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa".

Chị cũng là một trong 43 nhà nông trẻ xuất sắc được tuyên dương và nhận Giải thưởng Lương Định Của, đồng thời lọt vào danh sách 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn cùng trong năm này.

"Giải thưởng đã tạo cho tôi động lực lớn để cố gắng và tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp của mình. Cũng nhờ giải thưởng tôi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ và kết nối với Đoàn thanh niên, các cơ quan, ban ngành để được hỗ trợ quảng bá sản phẩm nhiều hơn. Từ đó, tôi còn được kết nối và gặp gỡ nhiều doanh nghiệp đi trước để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, có nhiều cơ hội tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ tỉnh nhà" - chị Dịu chia sẻ.

Chị Dịu cũng cho biết, trong nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực hỗ trợ hội viên làm kinh tế, nâng cao đời sống, thu hút tiềm năng cho địa phương. Bởi vậy, các mô hình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, khởi nghiệp kinh doanh của các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Nông có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được lan tỏa sâu rộng.

Cô giáo đổi nghề thành công với nông sản Tây Nguyên- Ảnh 5.

Hạt mắc ca được coi là"nữ hoàng của những loại quả khô", chính là mẫu sản phẩm nông sản được trông đợi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao với tên gọi ''cây tỷ đô''.

Để góp phần hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ có điều kiện kinh tế, kiến thức được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với các hình thức như hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu để có thể nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô thị trường.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình khởi nghiệp của chị Trần Thị Dịu:

Kiên trì và sáng tạo;

Thường xuyên đổi mới chính là yếu tố giúp doanh nghiệp của chị ngày một phát triển và có chỗ đứng trên thị trường.

"Để hội viên như chúng tôi được phát huy vai trò, vị thế trong xã hội, các cấp Hội đã giúp hội viên nâng cao được quyền năng về kinh tế. Từ các chương trình như đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vay vốn,…. nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số không những có điều kiện vươn lên giảm nghèo bền vững mà còn khẳng định được vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới", chị Dịu cho biết.

Mắc ca là cây "hái ra tiền", chị Nguyễn Thị Dịu mong muốn qua sự thành công của mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ ở Đắk Nông mạnh dạn khởi sự kinh doanh. Đồng thời, cùng nhau liên kết làm tăng giá trị của cây nông sản bản địa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động và phát triển kinh tế địa phương.




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất
Ngắm trận địa pháo 105mm tại Bến Bạch Đằng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm