
Kết hợp truyền thống và hiện đại
“Wellness tourism” được hiểu là trải nghiệm du lịch nhằm thư giãn, nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tin vui cho du lịch địa phương khi ngay trước thềm thành lập thành phố Đà Nẵng mới, Hội An được nhật báo hàng đầu Ấn Độ Times of India “gọi tên” trong tốp 5 điểm đến lý tưởng để thực hiện một chuyến du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu thể chất và tinh thần.
Hội An được đánh giá cao trong lĩnh vực này với các khóa yoga, gói detox cơ thể, trị liệu spa mang phong cách truyền thống Việt Nam và điểm cộng từ không gian tĩnh lặng, nhịp sống chậm rãi.
Cuối năm 2024, một trong những trải nghiệm chào đón đoàn đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn tại Quảng Nam khi ghé làng rau Trà Quế chính là massage và ngâm chân bằng dược liệu tinh chế của làng.
Bà Lê Phạm Thiên Hằng - người sáng lập An Farm Hội An cho rằng: “Wellness tourism là dịch vụ rất độc đáo, bản thân An Farm đang triển khai wellness tourism trong lĩnh vực nông nghiệp - một mảng khá phù hợp với đặc trưng, lợi thế của địa phương. Dư địa để thúc đẩy loại hình này ở một số điểm đến du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn rộng mở gắn với việc trải nghiệm trồng cây, ngâm chân, ngồi thiền, sử dụng thực phẩm thân thiện…”.
Tháng 3-2025, UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong kế hoạch có đề cập việc phát triển thị trường du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe tại Đà Nẵng. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (cũ), thời gian qua một số cơ sở y tế, khu du lịch cũng đã tích cực nâng cấp dịch vụ, sản phẩm để bắt nhịp xu hướng này.
Mới đây, Wafaifo Hội An Resort (phường Hội An Tây) đã kết hợp với đối tác Verita Health (một thương hiệu lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực y học cá nhân hóa) đưa vào vận hành trung tâm chăm sóc sức khỏe đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đại diện Wafaifo Hội An Resort, không đơn thuần là một trung tâm chăm sóc sức khỏe, Verita Health mang đến cách tiếp cận mới về việc trải nghiệm nghỉ dưỡng cao cấp gắn với y học chức năng hiện đại.
Thông qua 3 bước, phát hiện - đảo ngược và phòng ngừa - tối ưu hóa, du khách sẽ được trải nghiệm các liệu pháp tiên tiến như ô xy tăng áp, xông hơi hồng ngoại, tắm nước đá điều khiển điện tử, điều trị tế bào gốc… tất cả đều được cá nhân hóa theo tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Định vị thị trường mục tiêu
Lĩnh vực “wellness tourism” rất rộng, kéo theo nhu cầu của các thị trường khách ở lĩnh vực này cũng khá đa dạng. Kế hoạch phát triển du lịch y tế của Đà Nẵng có hoạch định việc đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ về tour thiền - yoga phục vụ khách Hàn Quốc - Nhật Bản; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ăn kiêng giảm cân phục vụ khách Nga và Đông Âu…

Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng đáng chú ý trong lĩnh vực này khi lượng khách Ấn Độ đang gia tăng mạnh ở Đà Nẵng, Hội An trong vài năm qua. Đây là quốc gia có lượng khách Halal lớn, thêm nữa cơ quan ngoại giao Ấn Độ cũng thường kết nối với tỉnh Quảng Nam trước đây để tổ chức các sự kiện quốc tế về Yoga…
Với việc bổ sung thêm hệ thống cảnh quan, tài nguyên du lịch đa dạng từ trên rừng xuống biển sau khi hợp nhất với Quảng Nam, dư địa “wellness tourism” của thành phố Đà Nẵng mới càng rộng mở. Các sản phẩm du lịch bổ trợ vốn được xác định là lợi thế của Đà Nẵng như: tham quan tâm linh, xông hơi, nghỉ mát, ngâm bùn khoáng, tắm thuốc thảo dược, thể thao leo núi… sẽ được nâng cấp cả về lượng và chất để ngành quản lý du lịch địa phương và nhà đầu tư tiếp cận, khai mở.
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - sự kiện - vận chuyển VITRACO, thị trường khách tiềm năng trong lĩnh vực wellness tourism của thành phố Đà Nẵng rất đa dạng. Khách Nhật thiên về dưỡng lão, phục hồi chức năng, nghỉ dưỡng trị liệu; khách Hàn Quốc thích du lịch kết hợp khám sức khỏe, thẩm mỹ; khách phương Tây thích nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; khách ASEAN thì phù hợp với loại hình nha khoa, y học cổ truyền còn thị trường khách nội địa thích nghỉ dưỡng phục hồi, vật lý trị liệu…
Ông Tùng khuyến nghị, Đà Nẵng muốn khai thác có hiệu quả nguồn khách du lịch ở lĩnh vực này cần đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái du lịch y tế tích hợp; phát triển sản phẩm chuyên biệt theo từng thị trường; đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch y tế. Ngoài ra, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ, xây dựng các mô hình liên kết.
Nguồn: https://baodanang.vn/co-hoi-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-cham-soc-suc-khoe-3264849.html
Bình luận (0)