Học sinh trung cấp nghề, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi tham gia Ngày hội việc làm để tìm hiểu thị trường lao động. Ảnh: H.Yến |
Về việc làm, học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với lao động tốt nghiệp hệ cao đẳng vì không có nhiều chênh lệch về trình độ.
Giảm áp lực cho học sinh
Hiện nay, hầu hết các trường nghề trên địa bàn tỉnh đang đào tạo phân luồng sau THCS theo chương trình song bằng, nghĩa là học sinh vừa học trung cấp nghề vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông (THPT) hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Tuy nhiên, cơ sở đào tạo Trường cao đẳng FPT Polytechnic tại Đồng Nai (FPT Polyschool Đồng Nai) chỉ đào tạo nghề hệ trung cấp và dạy 4 môn văn hóa theo quy định của chương trình dạy nghề (gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý). Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh.
Lợi thế của chương trình học nghề này là không quá tải đối với học sinh, không bị áp lực về điểm số đối với các môn văn hóa mà thực sự tập trung vào học nghề. Mặt khác, học sinh vẫn có cơ hội học tiếp lên bậc cao đẳng.
Thạc sĩ Trần Duy Phong, Giám đốc FPT Polyschool Đồng Nai cho hay: “Hiện nay, FPT Polyschool đang đào tạo 2 hệ gồm hệ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS và hệ cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THPT. Bản thân tôi rất bất ngờ vì trong quá trình đào tạo, những bạn xuất sắc nhất tại trường lại chính là những học sinh học nghề sau THCS. Các bạn có rất nhiều sáng tạo và năng lực học tập. Hầu như các danh hiệu thủ khoa trong nhà trường đều đến từ những học sinh chọn con đường phân luồng sau THCS”.
Cũng theo thạc sĩ Trần Duy Phong, hiện nay, FPT Polyschool Đồng Nai đang đào tạo hơn 1 ngàn học sinh học nghề sau phân luồng THCS với 3 khối ngành chính: công nghệ thông tin (lập trình web, ứng dụng phần mềm, phát triển phần mềm, lập trình ứng dụng AI; khối ngành kinh tế (thương mại điện tử, logistics, truyền thông và tổ chức sự kiện); khối ngành thiết kế đồ họa.
Trong vòng 5 năm gần đây, những ngành nghề này được nhiều học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS. Do vậy, công tác tuyển sinh của nhà trường khá thuận lợi. Lợi thế lớn nhất của nhà trường là nằm trong lòng doanh nghiệp (Tập đoàn FPT ở phía sau với chủ trương “học trường F, làm nhà F”). Học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại FPT Polytechnic có rất nhiều cơ hội việc làm tại các công ty thành viên trong Tập đoàn FPT cùng các doanh nghiệp mà FPT đã ký kết hợp tác.
Doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp
Mới đây, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (Trường cao đẳng Sonadezi) đã tổ chức Ngày hội việc làm Sonadezi College 2025 với sự tham gia của 40 doanh nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 1 trong 3 mục tiêu chính của ngày hội việc làm là để sinh viên chưa tốt nghiệp tham gia nhằm giúp các em hiểu về thị trường lao động; quy trình tuyển dụng, tiếp nhận lao động của doanh nghiệp. Từ đó các em có thể hình dung ra bức tranh về nhu cầu nhân lực để biết cách điều chỉnh kế hoạch học tập cho phù hợp với nhu cầu của xã hội và mục tiêu của bản thân.
Đối với học sinh hệ trung cấp nghề, đây là hoạt động trải nghiệm để các em nhận diện rõ về ngành nghề mình đang theo học trong bối cảnh chung của thị trường lao động.
Em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh trung cấp nghề công nghệ da giày cho biết, đây là lần đầu tiên em được tham gia ngày hội việc làm. Ngày hội giúp em biết thêm thông tin về các công ty trong lĩnh vực sản xuất da giày và nhiều lĩnh vực khác để có thêm hiểu biết về thị trường lao động. Ngày hội cũng giúp em có thêm niềm tin về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo bà Phan Thị Thúy Phượng, quản lý nhân sự Công ty TNHH Home Voyage Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa), công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp trung cấp nghề thuộc nhiều ngành với yêu cầu có năng lực ngôn ngữ tiếng Trung.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa cho hay, nhân sự tốt nghiệp trung cấp hay cao đẳng nghề, trình độ nghề chênh lệch nhau không nhiều. Điều quan trọng là ứng viên phải nắm vững chuyên môn và có khả năng tiếp thu tốt, thái độ làm việc tích cực vì sau khi nhận vào làm việc công ty còn có quá trình đào tạo nhân sự.
Theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Hải Yến
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/co-hoi-nghe-nghiep-cua-hoc-sinh-hoc-nghe-sau-trung-hoc-co-so-cb4303f/
Bình luận (0)