Ngay dưới bài viết "Bữa cơm bình dân" 400.000 đồng ở Hạ Long gây tranh cãi đăng tải trên báo Dân trí hôm 2/7, phản ánh về bữa cơm có giá hơn 400.000 đồng với món ăn đơn giản gồm trứng rán, thịt rang, canh cua và cà muối, nhiều độc giả đã để lại bình luận sôi nổi.
Dư luận chia thành nhiều luồng ý kiến, thể hiện rõ những khác biệt trong quan điểm và kỳ vọng của người dân khi đi du lịch.

Bữa cơm giá hơn 400.000 đồng tại một nhà hàng ở Hạ Long đang gây tranh cãi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Người "chấp nhận giá cao", người bức xúc kêu gọi phải tẩy chay
Nhiều độc giả cho rằng việc ăn uống đắt đỏ ở các điểm du lịch không phải điều lạ. Một số người bênh vực nhà hàng khi cho rằng mức giá 400.000 đồng là bình thường, xét trên chi phí mặt bằng, nhân công và vị trí kinh doanh.
"400.000 đồng, tôi thấy không cao vì nó ở khu du lịch nên chi phí cực cao. Thuê mặt bằng ở đây đã mấy chục triệu đồng/tháng rồi", tài khoản D.X.T. bình luận.
"Nhà mà tự nấu thì cũng 200.000 đồng rồi, chưa tính công", độc giả K.N. nêu quan điểm.
Một người phụ nữ còn chia sẻ kinh nghiệm mua sắm, cho biết ngoài thị trường thịt đã có giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhà hàng Hạ Long Xanh nói riêng và nhà hàng tại các điểm du lịch nói chung còn phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, nên giá bán món ăn có thể nhỉnh hơn một chút.
"Nhà hàng còn đầu tư cơ sở hạ tầng, thuê mặt bằng, điện nước... Khu du lịch giá vậy cũng không mắc", chị Vũ Thị Hồng chia sẻ.
Một số người còn dẫn chứng lý thuyết về chi phí trong ngành ẩm thực rằng, với nhà hàng bình dân, chi phí nguyên liệu thường chiếm khoảng 50-70% giá bán, nên không thể kỳ vọng giá "rẻ như cơm nhà".
Tuy nhiên, phần đông độc giả lại cho rằng mức giá này quá cao so với chất lượng món ăn, đồng thời phê phán kiểu làm du lịch không minh bạch niêm yết giá.
Thậm chí có người còn đặt nghi vấn về việc nhà hàng không sử dụng hóa đơn điện tử mà lại dùng hóa đơn viết tay và cho rằng đây là cách để "tránh thuế".
"Tổng chi phí chắc chỉ 100.000 đồng", tài khoản Dũng Ngô nhận xét về bữa ăn giá 400.000 đồng tại nhà hàng Hạ Long Xanh.

Nhiều người không hài lòng khi nhà hàng nói trên vẫn sử dụng hóa đơn viết tay thay vì hóa đơn điện tử (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tài khoản tên L.T. để lại bình luận: "Đã treo bảng bình dân thì phải bán giá bình dân chứ đừng ngụy biện là khu du lịch thì bán giá trên trời".
Nhiều độc giả cũng nhấn mạnh, giá cao thì phải đi kèm chất lượng. Trong trường hợp này, món ăn bị chê nguội, ít, không ngon. Đó là điều khiến giá 400.000 đồng cho bữa ăn trở nên khó chấp nhận.
"Thực tế ở Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hạ Long (Quảng Ninh), đồ ăn đắt hơn các nơi khác, nhưng vấn đề là chất lượng phải tương xứng. Mấy món thông thường này thì quá đắt thật, lại không tươi ngon", độc giả tên Thái Bình bình luận.
Du lịch Việt cần thay đổi cách làm dịch vụ?
Không ít người chia sẻ họ từng gặp tình trạng tương tự tại các cơ sở ăn uống ở các điểm du lịch khác và vẫn còn nguyên sự ấm ức. Một số thậm chí tuyên bố sẽ "né Hạ Long" khi có kế hoạch du lịch.
Độc giả Ngô Hồng Hải cho biết bản thân là người dân ở Hạ Long, song anh lại không quá hài lòng về du lịch ở vùng này. Bên cạnh đó, anh còn cho rằng Hạ Long bây giờ có phần ô nhiễm vì rác thải du lịch.
Trước tình trạng giá cả khó lường, một số người gợi ý nếu muốn đi du lịch, du khách nên tự chuẩn bị đồ ăn hoặc chọn các quán ăn uy tín, được đánh giá tốt trên nền tảng số.
Có người còn cho rằng, du khách đi đến vùng nào, nên ăn đặc sản của vùng đó thì giá cả sẽ "mềm" hơn. "Ra biển thì nên ăn đồ biển, giá sẽ hợp lý hơn", độc giả Nguyễn Văn Lạt góp ý.

Độc giả bàn luận sôi nổi về vụ "bữa cơm 400.000 đồng" (Ảnh: Chụp màn hình).
Từ câu chuyện tưởng chừng nhỏ, độc giả Dân trí một lần nữa cho thấy sự kỳ vọng lớn vào chất lượng dịch vụ du lịch trong nước. Họ không đòi hỏi giá rẻ bất hợp lý, mà mong sự minh bạch, chất lượng xứng đáng với đồng tiền và cách phục vụ có tâm hơn.
Không chỉ bàn luận sôi nổi về "bữa cơm 400.000 đồng" tại nhà hàng ở Hạ Long, nhiều độc giả còn để lại bình luận, chia sẻ về những trải nghiệm ăn uống không mấy vui vẻ của bản thân khi đi du lịch.
"Cách đây hơn 20 năm, tôi từng bị tính 500.000 đồng cho một bữa cơm vỉa hè với món trứng chiên hến và canh cua, khi từ TPHCM ra Bà Rịa - Vũng Tàu (nay đã sáp nhập vào TPHCM - PV) du lịch. Thời đó 500.000 đồng cũng mua được một chỉ vàng. Đến giờ vẫn không quên", tài khoản T.M.T. kể lại câu chuyện cũ.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19, mỗi trải nghiệm tiêu cực đều có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không được nhìn nhận và xử lý thỏa đáng.
Nhiều độc giả thẳng thắn, nếu tại Việt Nam, các trường hợp "chặt chém", "hét giá", giá cả mập mờ... thật sự chấm dứt, thì ngành du lịch sẽ ngày càng phát triển.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi phản hồi từ phía chính quyền địa phương cũng như diễn biến dư luận xung quanh sự việc này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/com-binh-dan-400000-dong-o-ha-long-du-lich-nen-phai-chap-nhan-gia-cao-20250702200002038.htm
Bình luận (0)