Cán bộ xã Quảng Thọ làm việc ở bộ phận Một cửa. Ảnh: Thái Bình |
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), hiện đang được lấy ý kiến và dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, diễn ra vào tháng 5 tới.
Đáng lưu ý, dự thảo luật này đã thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ công chức từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp Trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Dự thảo cũng quy định đối tượng cán bộ xã, phường tới đây cũng được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Đồng thời, việc thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định hiện hành.
Như vậy, sau khi hoàn tất sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành phố và bỏ cấp quận, huyện, lực lượng cán bộ xã sẽ từ “bán chuyên trách” lên “chuyên trách”, trở thành những công chức đúng nghĩa với những yêu cầu cao, khắt khe hơn về năng lực, phẩm chất, thái độ làm việc.
Đồng thời, họ phải chịu cơ chế sàng lọc “có vào, có ra, có lên, có xuống” – nghĩa là không thể “an vị” nếu không đáp ứng yêu cầu công việc.
Thực trạng của cán bộ xã lâu nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm vừa nhắc lại tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại Đà Nẵng chiều 28/3, là “đúng nghĩa hành chính”.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói xã, phường là cấp quan trọng nhất, gần dân nhất, nhưng lực lượng cán bộ xã hiện nay “chưa đáp ứng được yêu cầu, không đủ tiêu chí để đưa vào hệ thống công chức, viên chức để trả lương”.
Vì vậy, Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được đề xuất chính là cú hích quan trọng để nâng cấp, nâng tầm, “chính quy hóa” đội ngũ này.
Cán bộ xã, phường được chính thức thừa nhận là “công chức” sẽ có con đường thăng tiến rõ ràng, hưởng lương và đãi ngộ phù hợp.
Từ chỗ chịu thiệt vì thiếu biên chế, họ sẽ có động lực phấn đấu, rèn luyện kỹ năng, nâng trình độ chuyên môn. Qua đó, chính quyền cơ sở mới đủ năng lực giải quyết vướng mắc của dân một cách hiệu quả, không cần đẩy mọi việc lên cấp trên.
Mặt khác, việc sáp nhập, “tinh gọn” bộ máy sẽ đi kèm điều kiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” - đòi hỏi mỗi cán bộ xã phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, nếu không sẽ bị đào thải.
Lúc này, phản hồi tích cực của người dân sẽ là thước đo thực chất nhất năng lực cán bộ xã, phường.
Nếu “cấp hành chính” này thực sự nâng cao được năng lực, số đông người dân sẽ tìm đến xã, phường để giải quyết công việc, thay vì ngại ngần vì sợ “không giải quyết nổi”.
Ngược lại, nếu không xóa được tâm lý “cán bộ xã chỉ ký giấy chứng nhận”, thì dù có xếp lương, đãi ngộ, việc cải cách cũng khó thành công.
Tuy nhiên, để cán bộ xã, phường làm được điều đó, thì ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư đồng bộ cho họ từ quy trình tuyển dụng công khai, rõ ràng tiêu chí, đến chính sách đào tạo, kèm theo cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Định hướng sắp xếp cả nước còn 34 tỉnh, thành với khoảng 5.000 xã, phường, thay đổi mô hình hành chính thành 3 cấp (Trung ương – tỉnh, thành - xã, phường), không tổ chức cấp quận, huyện, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm, trước hết nhằm tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Quan trọng hơn, định hướng sắp xếp này hướng đến mục tiêu là cán bộ gần dân, sát dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn và mô hình tổ chức mới phải cho thấy sự tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn mô hình cũ.
Và những sự hơn này không phải là lý thuyết suông, mà người dân phải nhìn thấy, “sờ nắn” được, trước hết từ chính đội ngũ cán bộ xã, phường.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-chuc-can-bo-xa-se-co-su-dieu-chinh-manh-me-152231.html
Bình luận (0)