BẢO TỒN CÁC YẾU TỐ GỐC
Những ngày cuối tháng 3, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Ấn Độ, hơn 20 công nhân lành nghề đang dọn dẹp, phát quang, bóc tách khoa học khu vực tổng thể nhóm F, E tại khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam). Từ kinh nghiệm có được từ những đợt trùng tu trước đây, đội ngũ công nhân đã hợp tác rất nhịp nhàng với các chuyên gia Ấn Độ. Sau gần một tháng triển khai, công tác chuẩn bị đã đi đến khâu cuối cùng.
Tháp F1 đã xuống cấp nghiêm trọng. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Ban quản lý (BQL) di sản văn hoá Mỹ Sơn cho hay khu nhóm tháp F, E nằm gần nhau. Trong đó, nhóm tháp F gồm 3 công trình F1, F2 và F3. Ngoài tháp F3 đã sụp đổ, biến mất hoàn toàn do bom đạn thời chiến tranh, hiện chỉ được biết vị trí qua sơ đồ, thì 2 công trình F1 và F2 còn lại cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Riêng tháp cổng F2 sụp đổ chỉ còn mảng tường cao 3,2 m đang ở trạng thái nghiêng về nam khoảng 3 độ, xuất hiện nhiều khe nứt sâu. Mảng tường phía bắc còn cao vài mét, cả hai mảng tường đang được chống bằng những thanh sắt.
Đáng lo ngại nhất là tháp F1, di tích này được khai quật năm 2003, chưa có dấu vết trùng tu và đang được bao che bề mặt. Tường nhiều rạn nứt, gạch nhạt màu có dấu hiệu hoàn thổ; các mảng tường có nguy cơ cao đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được trùng tu sớm. Điều đáng nói, nhóm tháp F là một trong những tổ hợp kiến trúc thờ Shiva giáo sớm, có niên đại từ thế kỷ 7 - 8 đến thế kỷ 10 - 11, là minh chứng quan trọng về quá trình phát triển kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật ở Khu đền tháp Mỹ Sơn nói riêng và Champa nói chung.
Xung quanh nhóm tháp F, E đã được công nhân dọn dẹp, phát quang
Đối với nhóm tháp E có 8 công trình kiến trúc (E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8). E1 là tháp chính của khu E, có niên đại thế kỷ thứ 8, là di tích sớm nhất hiện tồn tại. Ngoài tháp E7 đã được trùng tu (giai đoạn 2011 - 2013), hầu hết công trình thuộc nhóm tháp E đều xuống cấp hư hại nặng, giờ còn lại phế tích…
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc BQL Di sản văn hoá Mỹ Sơn, cho biết dự án bảo tồn nhóm tháp F, E sẽ chính thức khởi động vào tháng 5 tới, kéo dài đến năm 2029. Theo kế hoạch, dự án bao gồm các hợp phần bảo tồn và tôn tạo nhóm F, E; hệ thống thoát nước và lối đi xung quanh nhóm F và E với tổng giá trị 4,852 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ấn Độ. Quá trình trùng tu chủ yếu thực hiện theo phương gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc một cách vững chắc, đảm bảo tính chân xác.
Dự án bảo tồn nhóm tháp F, E được triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng hồi sinh toàn bộ khu di tích Mỹ Sơn. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Năm 2003, tháp F1 được khai quật, nhưng lúc đó chỉ lợp mái tôn che chắn. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
GÓP PHẦN HỒI SINH TOÀN BỘ KHU DI TÍCH
Theo ông Nguyễn Công Khiết, nhóm tháp F có lịch sử lâu đời và được các chuyên gia Ấn Độ đánh giá là một trong những khu tháp có quy mô thuộc nhóm đầu trong toàn thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên nhiều tháp chỉ còn là phế tích. "Tháp F1 là khu đền chính, đóng vai trò quan trọng nhất. Năm 2003, tháp F1 được khai quật, nhưng lúc đó không có giải pháp trùng tu, chỉ lợp mái tôn che chắn để bảo vệ trước mối nguy hại từ thời tiết. Nếu không sớm được trùng tu, tháp F1 có nguy cơ bị sạt lở qua các đợt mưa bão sắp tới", ông Khiết nói.
Ông Khiết khẳng định dự án bảo tồn nhóm tháp F, E được triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng "hồi sinh" toàn bộ khu di tích, bởi đây là những đền tháp hư hại cuối cùng của Mỹ Sơn hiện nay. Đặc biệt, du khách đến Mỹ Sơn sẽ có cơ hội chứng kiến trực tiếp quá trình các chuyên gia hồi sinh một trong những công trình kiến trúc tâm linh quý giá của nhân loại. "Nếu nhóm tháp F, E được trùng tu sẽ phát huy được giá trị tối đa của di sản, phục hồi giá trị lịch sử lâu đời của các nhóm tháp. Cùng với đó, không gian du lịch được mở rộng, mang đến nhiều trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong hành trình khám phá Mỹ Sơn. Vì vậy, dự án trùng tu các nhóm tháp này là cấp thiết", ông Khiết khẳng định.
Ông Shri Azmira Bhima, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ, kỳ vọng việc triển khai bảo tồn, trùng tu khu tháp F, E sẽ góp phần khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp; phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn - một di sản văn hóa thế giới đặc sắc. Đặc biệt, việc này góp phần nâng cao năng lực về quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích. Hiệu quả rõ nét các dự án mang lại chính là sự vững chắc của các công trình đền tháp trong khu thánh địa Mỹ Sơn.
Dự án trùng tu Mỹ Sơn được bắt đầu từ năm 2014, đặt mục tiêu hồi sinh quần thể kiến trúc cổ. Từ 2017 - 2022, Chính phủ Ấn Độ tài trợ 55 tỉ đồng để trùng tu khu tháp K, H, A, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện ra, được các chuyên gia trong nước, quốc tế và du khách đánh giá cao. Quá trình trùng tu đã thu nhặt được 734 hiện vật các loại, phát hiện đài thờ Linga - Yoni tháp A10 liền khối lớn nhất VN. Năm 2022, đài thờ này được công nhận Bảo vật quốc gia. Năm 2024, Mỹ Sơn cũng công bố một "con đường thần đạo" nằm dưới lòng đất tại khu tháp K. Giới nghiên cứu khảo cổ nhận định con đường bí ẩn này có niên đại thế kỷ 12 (tương đương niên đại tháp K). Đây là con đường chính, "con đường thần đạo", con đường hoàng gia dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-sinh-nhung-thap-co-hoang-phe-cuoi-cung-o-my-son-185250407210706151.htm
Bình luận (0)